Quy mô tổ dân phố tăng lên 250 hộ: Nhiều tổ trưởng e ngại
Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 16/12/2013
Theo kết quả thống kê đến tháng 10-2012, toàn thành phố có 7.404 TDP, trong đó có 3.077 TDP dưới 70 hộ dân, 4.012 TDP có từ 70 hộ đến dưới 250 hộ dân, 315 TDP có từ 250 hộ dân trở lên. Quy mô các TDP có sự khác biệt lớn, số TDP có quy mô dưới 70 hộ dân chiếm đến 41,56%, nhiều phường nội thành có tới gần 100 TDP, cá biệt có phường có trên 100 TDP dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hội họp của chính quyền phường đối với tổ trưởng dân phố gặp không ít khó khăn và hiệu quả chưa cao.
Tại một số phường, nhiều TDP có quy mô số hộ nhỏ, số lượng đảng viên và thành viên của các chi hội đoàn thể ít, không đủ điều kiện để thành lập các tổ chức này theo địa bàn tổ dân phố. Vì vậy, việc tổ chức chi bộ Đảng và đoàn thể cơ sở phải theo cấp trung gian là khu dân cư - liên tổ dân phố dẫn đến hiệu quả hoạt động của chi bộ Đảng và đoàn thể ở một số cơ sở còn chưa cao, chưa phát huy được sự chủ động, tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Từ thực tế nêu trên, việc thực hiện tăng quy mô dân số trong TDP lên 250 hộ nhằm hình thành sự đồng nhất theo mô hình một chi bộ Đảng lãnh đạo một tổ dân phố, một Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể là cần thiết.
Tuy nhiên, bước đầu thông báo kế hoạch triển khai đề án tới cơ sở đã có không ít ý kiến từ thực tiễn công việc của những người trực tiếp làm công tác tổ trưởng dân phố.
Ông Phạm Đạt, Tổ trưởng dân phố C4 TT Giảng Võ - phường Giảng Võ băn khoăn: Việc tăng quy mô TDP lên 250 hộ dân thì cán bộ tổ trưởng có quán xuyến được hết công việc hay không. Bởi đặc thù cán bộ tổ trưởng dân phố hầu hết là những cán bộ hưu trí cao niên từ hơn 60 đến 70 tuổi. Tại các nhà tập thể cao tầng cũ, cán bộ TDP gặp rất nhiều khó khăn khi leo bộ từ tầng 1 lên tầng 4 hoặc tầng 5 để phổ biến kế hoạch chính sách, thu tối đa 5 loại quỹ cơ sở, chưa kể các phiếu điều tra, khảo sát của các cấp ngành, cơ quan chức năng. Trường hợp gặp hộ dân và được hộ dân chấp hành tốt còn đỡ, không gặp hộ dân hoặc được khất lần nghĩa vụ, trách nhiệm thì việc đi lại còn kéo dài. Nếu tăng số hộ dân lên gấp gần 4 lần so với hiện tại thì e rằng TDP khó hoàn thành nhiệm vụ.
Ý kiến khác của ông Trần Nhật Thăng, tổ 36 phường Vĩnh Phúc, Ba Đình nêu: Hiện tại quy mô tổ dân phố dao động từ 40 đến 70 hộ dân mà còn khó bố trí địa điểm họp và sinh hoạt cộng đồng. Vậy khi tăng lên 250 hộ dân/TDP thì sẽ lấy địa điểm đâu để họp, nhất là các cuộc họp, sinh hoạt Đảng rất cần trang trọng, nghiêm túc.
Tham khảo thực trạng của nhiều TDP trên địa bàn thành phố, chúng tôi nhận thấy các ý kiến của tổ trưởng dân phố khá xác đáng. Đơn cử tại phường Phương Mai (quận Đống Đa) hiện chỉ có 13 nhà văn hóa trong tổng số 87 TDP, có những nhà văn hóa chỉ có 15m2, cái rộng nhất mới được 40m2, bàn ghế, trang thiết bị chưa đầy đủ, tối đa chỉ có được 50 ghế ngồi. Thực tế đã có những cuộc họp TDP của phường Phương Mai diễn ra tại hành lang cầu thang và dưới sân tập thể.
Trong khi đó theo quy định, hội nghị toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư phải có ít nhất 70% dân trong TDP tham dự. Nếu quy mô TDP đạt 250 hộ thì tính sơ sơ phải có đến 180 hộ tham dự hội nghị. Lấy đâu ra hội trường và cơ sở vật chất phục vụ?
Một số ý kiến khác cho rằng, quy mô TDP hiện nay tuy nhỏ, từ 40 đến 70 hộ dân nhưng bao gồm trọn đơn nguyên nhà tập thể vốn là những cán bộ, công nhân viên chức của một cơ quan đơn vị nào đó, có mối quan hệ quen biết nhau nhất định là điều kiện thuận lợi để nâng cao tình cảm gắn bó làng xóm, giúp đỡ nhau hoàn thành các công việc tại địa phương. Nay gộp nhiều đơn nguyên tập thể với nhau hoặc đơn giản là cộng các TDP lại cho tròn 250 hộ, ngoài việc tăng thêm khối lượng công việc thì mối quan hệ gắn kết sẽ như thế nào?
Bên cạnh đó, ai cũng biết "chức" tổ trưởng dân phố là "vác tù và hàng tổng" nên việc mời được một người làm cán bộ TDP không phải dễ. Phần lớn các tổ trưởng dân phố đều làm vì tình cảm, trách nhiệm với địa phương chứ không vì thu nhập. Bởi với mức phụ cấp 0,6 cho cán bộ tổ trưởng và 0,4 cho cán bộ tổ phó thì hằng tháng chỉ nhận chưa đến 700 nghìn đồng. Với số lượng hộ dân tăng thêm như đề án liệu có ai mặn mà với các chức danh tổ trưởng, tổ phó dân phố kiêm nhiệm hay lúc đó phải cần cán bộ chuyên trách công tác này, và có khi nào cán bộ phường sẽ đảm nhiệm phụ trách tổ dân phố?
Phần nhiều ý kiến của tổ trưởng dân phố cho rằng, việc sáp nhập TDP là cần thiết nhưng sáp nhập như thế nào phải tính toán tới vị trí địa hình dân cư, tình cảm nhân dân chứ không nhất thiết phải tăng số lượng hộ dân cho đạt tiêu chuẩn như theo đề án. Được như thế TDP mới hoàn thành các công tác cơ sở và các tổ trưởng dân phố cao niên mới không rậm rạp xin "từ chức".