Phát triển nguồn nhân lực: Không thể chỉ dựa vào tiềm năng

Xã hội - Ngày đăng : 05:56, 16/12/2013

(HNM) - Giáo dục Việt Nam vừa trải qua một số "bài kiểm tra chất lượng" với những "điểm số" khá "ấn tượng". Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 11-11 cho rằng, trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối Bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực.



Sau đó 10 ngày, trong Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014 với tựa đề " Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam", Ngân hàng Thế giới khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm theo thang điểm 10 và đứng thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng. "Bức tranh" tối màu đó như sáng hơn khi 5.670 học sinh phổ thông ở tuổi 15 của 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố đã được xếp thứ 8 về khoa học, 17 về toán, 19 về đọc hiểu trong số 65 nước tham gia PISA - khảo sát mới công bố của Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) đầy uy tín.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao học sinh Việt Nam đã gây ngạc nhiên đến mức khiến OECD phải chất vấn 2 tháng trước khi công bố kết quả? Vì họ không tin một nước còn nghèo như Việt Nam có kết quả cao hơn

các nước phát triển, nhưng lại đem đến thất vọng cho các nhà tuyển dụng lao động sau khi đã được đào tạo hay còn vì lý do nào nữa? Câu trả lời phải chăng nằm ở chất lượng bậc trung học phổ thông (THPT) và hiệu quả của công tác đào tạo?

PISA là một thước đo khách quan với mục tiêu kiểm tra xem đến độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc, học sinh đã được chuẩn bị những gì để đáp ứng các thách thức của cuộc sống. Ở tuổi 15, PISA đánh giá học sinh về năng lực toán học, khoa học và đọc hiểu. Các tình huống được đưa ra trong bài thi là có thật trong cuộc sống và muốn trả lời đúng, các em hoặc phải có kiến thức vững hoặc phải có vốn sống và kinh nghiệm sống để vận dụng. Cho nên, có đến 70% học sinh hệ giáo dục thường xuyên làm bài khá dù đây là bậc học thường chỉ có học sinh không vào được các trường THPT theo học. Như GS Hoàng Tụy phân tích, kết quả này, mới nghe có vẻ hơi lạ, nhưng nghĩ lại cũng thấy dễ hiểu bởi chỗ yếu của giáo dục Việt Nam là từ cấp THPT lên đến đại học. Dù vui mừng nhưng lãnh đạo ngành giáo dục cũng thừa nhận, PISA chưa đánh giá một cách toàn diện và kết quả này không nói lên chất lượng giáo dục Việt Nam.

Trong Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014, Ngân hàng Thế giới cho rằng, giáo dục đã cung cấp cho phần lớn người lao động Việt Nam những kỹ năng cơ bản cần thiết đó là khả năng đọc, viết và tính toán với tỷ lệ cao hơn các nước giàu có hơn. Được chuẩn bị một nền tảng khá tốt, lẽ ra, sau khi học xong trung học cơ sở, vào THPT, các em phải được chọn một nghề hoặc một hướng đi cho tương lai. Song thực tế là, với việc xác định chưa đúng mục tiêu giáo dục, hầu hết học sinh THPT được học chương trình gần giống nhau, phải học những thứ không thích với nội dung mang nhiều tính hàn lâm, trong khi những điều cần cho cuộc sống sau khi rời ghế trường phổ thông lại không được học. Kết quả, mỗi năm, có hàng trăm nghìn học sinh không vào được đại học, bắt đầu học nghề ở tuổi 18. Đây là sự lãng phí rất lớn về công sức và thời gian. Chương trình phổ thông, phương thức thi cử cũng không chuẩn bị tốt cho học sinh vào đại học. Với 4 khối thi, các trường đại học phải chọn người học cho hàng nghìn chuyên ngành với những đòi hỏi rất khác nhau về kiến thức nền cũng như khả năng tư duy. Sau khi trải qua một kỳ thi căng thẳng không chỉ đối với mỗi thí sinh và cả toàn xã hội, vào đại học, sinh viên chỉ được học những thứ nhà trường có sẵn, nhiều khi không phải là thứ xã hội cần.

Trong những năm gần đây, một trong những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục đại học ở nước ta là đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội, trong đó đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp. Đã có một giai đoạn dài, tình trạng phổ biến là nhà trường đơn phương đào tạo, còn doanh nghiệp đứng ngoài cuộc; tuyển chọn những sản phẩm đào tạo có sẵn và phê phán nhà trường đào tạo không sát với nhu cầu. Các cơ sở giáo dục và trường đại học thường đưa ra những chương trình đào tạo mà sinh viên ra trường với những kỹ năng không phản ánh đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động, bởi nhà trường không có thông tin đầy đủ về nhu cầu đối với kỹ năng từ người sử dụng lao động, các điều kiện của thị trường lao động… Sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho các bên, nhưng hiện nay, quan hệ đối tác này chưa thành nhu cầu sống còn; hoạt động hợp tác chủ yếu dựa trên quan hệ cá nhân, chưa được tổ chức một cách bài bản; Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển mối quan hệ này.

Với thực trạng giáo dục THPT và đào tạo đại học như vậy, không lạ khi Sách Trắng - tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam - khẳng định, các công ty nước ngoài phải đào tạo lại từ 40% đến 50% đội ngũ nhân lực nội địa. Còn Ngân hàng Thế giới, dù cho rằng, giáo dục đóng vai trò quan trọng vào thành công của Việt Nam trong 20 năm qua, mặc dù thành tựu về biết đọc, viết và tính toán của lao động Việt Nam rất ấn tượng nhưng đáng buồn là họ không có kỹ năng phù hợp đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động.

Đã đến lúc, chúng ta không thể chỉ dựa vào tiềm năng là nguồn nhân lực dồi dào, vì dù quy mô lực lượng lao động vẫn tăng nhưng dân số trẻ đang giảm. Sự thiếu hụt người lao động có kỹ năng cũng cho thấy nền kinh tế đất nước phát triển năng động, tạo ra những việc làm mới, đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Nhưng nó cũng cho thấy một thực tế, hệ thống giáo dục và đào tạo không đủ năng động để thích nghi nhanh chóng với đòi hỏi mới. Bởi thế, "lực lượng lao động có kỹ năng, cả kỹ năng nhận thức, xã hội và hành vi, kỹ thuật, có ý nghĩa trọng tâm đối với tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam". Làm thế nào để lao động Việt Nam trong tương lai có đầy đủ các kỹ năng cần thiết là vấn đề mang tính chiến lược, là trách nhiệm chung của Chính phủ, của các cơ sở giáo dục đào tạo, người sử dụng lao động, sinh viên và phụ huynh. Các doanh nghiệp và trường đại học cần xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Phụ huynh cần tham gia nhiều hơn vào việc học hành của con em mình. Sinh viên cần va chạm với thế giới công việc trước khi tốt nghiệp. Những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải cần đến một thế hệ để tạo ra một lực lượng lao động được trang bị đúng và đủ các kỹ năng. Nhưng giáo dục là ngành đầu tiên và quan trọng nhất có trách nhiệm với việc phát triển nguồn nhân lực thì việc đầu tiên cần phải hiểu rõ mình đang ở đâu, yếu - mạnh ở điểm nào.

Lâu nay, đánh giá chất lượng giáo dục thường mang tính cảm tính nên kết quả khảo sát và sự đánh giá của các tổ chức có uy tín quốc tế vừa qua đã giúp giáo dục Việt Nam nhận diện một cách đầy đủ hơn về chất lượng giáo dục và chuẩn bị bước vào "trận đánh lớn" - đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo để trong tương lai kỹ năng của người lao động không phải là "nút thắt cổ chai" của nền kinh tế.

Vũ Vân