Kiểm tra việc EVN tính tiền xây bể bơi vào giá điện

Kinh tế - Ngày đăng : 13:57, 15/12/2013

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN

Kết quả thanh tra chỉ ra nhiều ưu, khuyết điểm của EVN nhưng chưa phát hiện có tiêu cực, tham nhũng.
Theo thông báo này, Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN "một cách nghiêm túc, có trách nhiệm". Thủ tướng nhận xét "kết quả thanh tra đã chỉ ra nhiều ưu điểm, khuyến điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng chưa phát hiện có tiêu cực, tham nhũng".

Đồng thời, Thủ tướng cũng đặt câu hỏi, "EVN cần xem lại vì sao hàng năm đều có kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh".


Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính về việc hạch toán kinh phí mua xe ô tô vượt định mức và yêu cầu tập đoàn phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc mua xe ô tô vượt định mức quy định.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trong kết luận thanh tra) cũng như đối với các Nhà máy, Khu công nghiệp khác; có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2014.

Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ tại EVN đã nêu rõ, trong 6 dự án nguồn điện gồm Nhiệt điện Ô Môn 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Hải Phòng 1, Nhiệt điện Quảng Ninh 1, đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Tuy nhiên, trên thực tế, hạng mục này chính là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.

Trong thông tin cung cấp cho báo chí sau đó, EVN không phủ nhận về việc xây dựng các khu chung cư, nhà công vụ, công trình thể thao phục vụ cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, Tập đoàn này khẳng định đã sử dụng nguồn vốn đầu tư từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng không đưa vào giá thành điện. Các đơn vị thực hiện thu tiền thuê nhà và các dịch vụ theo quy định để hoàn vốn đầu tư, không hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Lilama thua lỗ, Thủ tướng yêu cầu truy trách nhiệm cả sếp đã về hưu

Ngoài ra, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng nhận xét, việc đầu tư ra ngoài Công ty mẹ của EVN chủ yếu là đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính chiếm tỷ lệ thấp (gần 2.000 tỷ đồng). Do đó, EVN cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, không sơ hở để một số đối tượng trục lời.

Thủ tướng yêu cầu EVN hạch toán đúng quy định pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động; đồng thời tiến hành rà soát, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Việc xử lý các vấn đề liên quan đầu tư và chuyển giao EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) - trong đó có việc thu tiền cáp treo viễn thông, Thủ tướng đã xem xét và có quyết định xử lý cụ thể.

Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (kể cả đối với cán bộ đã nghỉ hưu) trong việc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) kinh doanh thua lỗ và báo cáo Thủ tướng.

Trong 48 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần thì Lilama có tỷ lệ tới hơn 53 lần. Hồi đầu năm, Bộ Xây dựng đã có quyết định tái cấu trúc Lilama giai đoạn 2012-2015 với yêu cầu phải thoái vốn khỏi 15 công ty mang họ Lilama ở các ngành nghề thủy điện, xi măng, bất động sản...

Trong nhận xét về đề án tái cấu trúc mà Lilama gửi trình, Bộ Xây dựng đánh giá, việc phân tích thực trạng còn chung chung, chưa phân tích sâu vào những khó khăn tài chính hiện tại của Công ty mẹ và các công ty thành viên. Lilama cũng chưa đưa ra được những nhận xét, đánh giá cụ thể đối với từng đơn vị, làm căn cứ để định hướng phát triển, xác định việc đầu tư vốn hay giảm vốn tại từng doanh nghiệp (lưu ý đến các đơn vị rất khó khăn, có nguy cơ mất vốn nhà nước).

Về thực trạng của Lilama hiện nay, các con số lỗ lãi năm 2012 chưa được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, Bộ Xây nhận định, thực trạng tài chính của Lilama là khó khăn, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất cao, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn chủ sở hữu, tồn tại những khoản nợ phải thu khó đòi tại một số công trình lớn, các khoản cho vay đối với các công ty con.../.

Theo Bích Diệp/Dân Trí