Nên tạo cơ hội cho lao động trở về từ Hàn Quốc

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:22, 15/12/2013

(HNM) - Chính phủ Việt Nam vừa ban hành quy định xử phạt lao động Việt Nam bất hợp pháp tại nước ngoài, trong đó có thị trường Hàn Quốc.



Quy định nêu rõ: Lao động Việt Nam nếu ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị buộc về nước và sẽ bị cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Hải Linh xung quanh vấn đề này.

- Trước tiên, xin ông cho biết đôi nét về tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại đây?

Ông Trần Hải Linh.


- Trong tổng số khoảng 123.000 người Việt Nam đang học tập, làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc thì số lao động là khoảng 73.000 người. Thời gian qua, tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp ngày càng diễn biến phức tạp, bởi số lượng lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức cao, chiếm trên 50%, cao nhất trong tổng số 15 nước có ký kết Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc. Vì lý do này mà từ tháng 8-2012 đến nay, Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình EPS với Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người lao động Việt Nam đang muốn sang Hàn Quốc làm việc.

- Mức phạt theo quy định của Chính phủ có đủ mạnh để giảm thiểu tình trạng lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc không?

- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 10-10-2013. Theo đó người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, bị buộc về nước và cấm đi nước ngoài trong 2 năm nếu có các hành vi như cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng lao động và hết hạn cư trú, bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng đã ký…

Theo tôi được biết, trường hợp người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc cư trú trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động trước ngày 10-10-2013, nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (tính từ ngày 10-10-2013 đến ngày 10-1-2014) sẽ được miễn xử phạt hành chính, không bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính nêu trên. Mức phạt đủ mạnh hay chưa thì chúng ta cần có cái nhìn tổng quát về nhiều hướng. Tôi nghĩ, mức phạt đưa ra nhằm mục đích vận động và khuyến khích người lao động về nước đúng hạn sau khi kết thúc hợp đồng, và để nước bạn thấy chúng ta đã quyết tâm ngăn chặn khả năng gia tăng số lượng lao động bất hợp pháp, từ đó có thể có những cơ hội mới cho những người đã đủ tiêu chuẩn sang Hàn Quốc lao động.

- Vậy thời gian qua Hội cũng như ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc đã làm gì để góp phần giải quyết tình trạng này?

- Ban Quản lý lao động ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc liên tục có những cuộc gặp gỡ trao đổi với các cơ quan chức năng có liên quan tại Hàn Quốc để thúc đẩy và giải quyết tình trạng này. Mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Văn phòng Quản lý lao động tại Hàn Quốc theo yêu cầu của nước bạn để tăng cường việc phối hợp giải quyết thực trạng này. Với tư cách là một tổ chức xã hội, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã phối hợp với ĐSQ, Văn phòng Quản lý lao động tại Hàn Quốc và các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài ở trên các vùng miền của Hàn Quốc tổ chức các buổi đối thoại, giao lưu, trao đổi trực tiếp với người lao động để mọi người thêm hiểu về luật và chính sách của cả hai chính phủ đối với người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Khi hiểu rõ được luật và chính sách thì người lao động sẽ có suy nghĩ đúng đắn nhất về sự lựa chọn của mình.

- Là người trực tiếp tiếp xúc với nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, theo ông chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

- Tôi thấy đa số người lao động băn khoăn khi về Việt Nam sau khi hết hợp đồng lao động sẽ làm gì, sinh sống như thế nào. Trong khi ở lại Hàn Quốc vẫn có thể kiếm tiền sinh sống và tiết kiệm gửi về gia đình. Tôi nghĩ rằng, cùng với các biện pháp như Chính phủ hai nước đã và đang làm, nên chăng chúng ta tạo điều kiện và thành lập kênh thông tin về việc làm dành cho lao động Việt Nam khi về nước. Hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang phát triển kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp… Những doanh nghiệp này có thể cần những lao động có kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc. Đó có thể là một đầu ra cho lao động Việt Nam khi trở về từ Hàn Quốc. Tôi có lời khuyên rằng lao động Việt Nam khi sang Hàn Quốc hãy làm việc chăm chỉ, và điều quan trọng là chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nước sở tại. Khi đó chắc chắn cơ hội làm việc ở Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục mở rộng đối với họ.

- Xin cảm ơn ông!

Đình Hiệp