Kiến trúc sư cần mạo hiểm và lòng dũng cảm để dấn thân

Văn hóa - Ngày đăng : 06:12, 15/12/2013

(HNM) - Kiến trúc, ngành nghệ thuật đặc thù với tính ứng dụng cao vừa là biểu tượng bay bổng, tài hoa, lại vừa thực tế, cụ thể đến khốc liệt.

Dịp cuối năm, nhìn lại hoạt động kiến trúc thời gian qua, với tư cách là một chuyên gia kiến trúc, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTS) đã có cuộc trò chuyện với Báo Hànộimới.

- Cuối năm, thường là dịp nhìn lại, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ và ấn tượng của mình về nghề và hoạt động kiến trúc thời gian qua?

- Nghĩ về nghề, đối với bất kỳ KTS nào cũng là điều thường trực. Kiến trúc khác với các ngành nghệ thuật khác, nó vừa mang tính nghệ thuật vừa có yếu tố kỹ thuật. Nó không phải là nghệ thuật chỉ để trang trí đơn thuần mà đòi hỏi phải được sử dụng, được phản biện, thậm chí được phá hủy để hình thành ra cái mới. Hình ảnh tre nứa có thể đi vào thơ ca và tồn tại mãi mãi, nhưng đi vào kiến trúc nó phải chấp nhận bị thay thế, hoặc phải biến đổi để phát triển.

Nói cụ thể hơn, kiến trúc là công trình xây dựng có giá trị thẩm mỹ, gắn liền với xã hội và luôn chuyển hóa để phục vụ tốt nhất nhu cầu của cuộc sống. Ở ta lúc này KTS có quá nhiều trăn trở, khó khăn về kinh tế, đầu tư xây dựng chững lại, thiếu việc làm cho KTS, môi trường hành nghề còn nhiều bất cập. Hiện chưa có Luật Kiến trúc để điều tiết, bảo vệ hoạt động hành nghề của KTS. Tuy nhiên, vì ham nghề các KTS vẫn đang nỗ lực cống hiến và bắt đầu xuất hiện nhiều KTS tài năng hơn.

- Một số gương mặt kiến trúc sư ấn tượng, theo ông?

- Thời mở cửa, KTS được thực hành nhiều hơn so với đàn anh và thực tế đã dần khẳng định nhiều thành công của người làm nghề. Có thể nhắc đến KTS Lê Hiệp, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Mạnh Thu, Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Luận. Sau lớp này là những KTS trẻ đang tự khẳng định những xu hướng sáng tác, cá tính của mình như: Lê Quân, Nguyễn Trường Lưu với kiến trúc biểu hiện; Dương Hồng Hiến, Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào với kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh…

- Từ thực tế nghiên cứu, giảng dạy, tham gia tư vấn của mình, ông nhận thấy đâu là bí quyết cần thiết cho sự thành công của kiến trúc Việt Nam trong môi trường cạnh tranh, hội nhập văn hóa quốc tế như hiện nay?

- Có thể nói có nhiều cách để đi đến kiến trúc cá tính, có dấu ấn. Riêng tôi luôn nghĩ phải trọng cái hôm qua và biết sử dụng cái hôm nay để phục vụ cho cuộc sống đương đại. Cái hôm qua là kinh nghiệm, tri thức, trí tuệ của cha ông ta. Cái hôm nay là công nghệ phù hợp. Kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta rất tốt nhưng tiếc là chúng ta chưa có những nghiên cứu thật kỹ càng. Các cụ ứng xử với đất, nước, địa hình, không gian… một cách hợp lý để tạo ra nhà, làng, phố thị cân bằng tương đối tốt với thiên nhiên, xã hội. Nói riêng về mộng thôi, không cần dùng đinh mà sự liên kết vật liệu lại bền chắc như vậy cũng đáng nghiên cứu kỹ rồi. Tôi cho rằng, kế thừa những tinh hoa kiến trúc xưa, cho dù là kiến trúc nhỏ bé, nhưng nó vẫn có giá trị cho những công trình kiến trúc lớn hôm nay.

Nhìn rộng ra, kiến trúc nhiều nước quanh ta cũng theo cách ấy mà đi lên. Giáo sư Naito người Nhật Bản đã thành công khi nghiên cứu kiến trúc truyền thống Nhật, rồi áp dụng kỹ thuật hiện đại cho phép khẩu độ gỗ trong công trình vượt hàng chục, hàng trăm mét so với trước đây.

- Còn hạn chế của kiến trúc sư hôm nay là gì thưa ông?

- Đó là tính chuyên nghiệp, khả năng làm việc nhóm, đặc biệt hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường kiến trúc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, tôi nghĩ để khám phá, sáng tạo cần lắm lòng dũng cảm để dấn thân, đôi khi mạo hiểm và sau cùng là cần học hỏi liên tục, học hỏi suốt đời.

- Với tư cách là kiến trúc sư tham gia hoạt động Hội, ông có thể nói đôi điều về vai trò phản biện của Hội KTS Việt Nam cũng như quan niệm của ông về phản biện xã hội?

- Phản biện xã hội theo tôi nhất thiết phải có lý luận phê bình kiến trúc, nhưng cái này ở ta lại thiếu vắng hoàn toàn và cũng không có nơi nào dạy cả. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có phản biện. Về điều này, cũng có hai cách nghĩ. Một là phản biện khi sự kiện, hoạt động kiến trúc đang diễn ra rồi mà có dư luận thì cần lên tiếng để kịp thời điều chỉnh. Đây là công việc thường xuyên của Hội diễn ra bằng nhiều hình thức như trao đổi trực tiếp với chính quyền, chủ đầu tư, tác giả; thông qua truyền thông… Thứ hai, cách phản biện quan trọng không kém là vận động xã hội, tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần định hướng dư luận, hướng xã hội vào quỹ đạo kiến trúc phù hợp. Việc tổ chức thi thiết kế và xây dựng thí điểm nhà chống bão lũ ở miền Trung trong hai năm qua là một ví dụ điển hình. Phản biện về bản chất là phân tích, đánh giá, đưa ra những giải pháp làm giảm tối đa những tác động xấu của kiến trúc với cộng đồng, môi trường; nâng cao hiệu quả kiến trúc với xã hội.

- Vậy cuộc vận động cho kiến trúc xanh của Hội những năm qua cũng là một hoạt động phản biện xã hội?

- Đúng vậy! Chúng ta thấy rõ sự quan tâm ngày một nhiều hơn của giới nghề nghiệp, của xã hội, người dân đối với kiến trúc xanh - một xu thế của kiến trúc đương đại. Sự xuất hiện của nhiều tổ chức, đơn vị tham gia đánh giá, đưa ra các tiêu chí kiến trúc xanh, công trình xanh… hiện nay phần nào phản ánh kết quả những nỗ lực và hướng đi thích hợp của Hội KTS Việt Nam. Mới đây nhất, Hội đã công bố Tiêu chí kiến trúc xanh và thông báo Tuyển chọn công trình kiến trúc xanh Việt Nam lần 2 (2013-2014).

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thi Thi