Hạ viện Mỹ thông qua thỏa thuận ngân sách: Sự thỏa hiệp quý giá

Thế giới - Ngày đăng : 05:52, 15/12/2013

(HNM) - Ngay sau khi hai đảng của Quốc hội Mỹ đạt được đồng thuận về thỏa thuận ngân sách mới sau những cuộc đàm phán căng thẳng, Hạ viện nước này đã thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách cho hai năm tới (đến hết tháng 9-2015).



Dự luật ấn định trần chi tiêu ngân sách tài khóa năm 2014 là 1,012 nghìn tỷ USD và năm 2015 là 1,014 nghìn tỷ USD. Theo thỏa thuận này, việc cắt giảm ngân sách sẽ không diễn ra đối với các cơ quan liên bang, các chương trình quan trọng của Chính phủ và cho phép chi tiêu thêm khoảng 63 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Hơn nữa, sẽ có một khoản cấp thêm khoảng 20-23 tỷ USD nhằm tránh việc thâm hụt ngân sách trong 10 năm. Chủ tịch Hạ viện John Boehner, người đứng đầu cuộc "tranh đấu" về ngân sách với Tổng thống Barack Obama trong suốt 3 năm qua, nói: “Thỏa thuận này thể hiện một bước tiến tích cực nhằm giảm thâm hụt ngân sách mà không phải tăng thuế". Dự luật đã được chuyển sang Thượng viện và dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua trong tuần tới trước khi bắt đầu kỳ nghỉ dài ngày nhân dịp lễ Giáng sinh và năm mới 2014. Tuy nhiên, việc vượt qua "cửa ải" khó khăn nhất tại Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát đã đủ để khẳng định rằng văn bản này sẽ không gặp khó khăn gì tại Thượng viện đang thuộc về đảng Dân chủ của Tổng thống B.Obama.

Chứng khoán Mỹ khởi sắc sau khi Dự luật ngân sách 2014 được thông qua.


Quá trình bỏ phiếu thông qua ngân sách được giới quan sát nhận định là khá dễ dàng, bất chấp sự phản đối của các nhóm chính trị bảo thủ khi cho rằng việc này vi phạm mục tiêu cốt lõi nhất là cắt giảm chi tiêu công. Nói cách khác, Hạ viện nhanh chóng thông qua dự thảo ngân sách là một hành động mang tính đột phá sau 3 năm xảy ra bất đồng gay gắt giữa hai đảng trong vấn đề chi tiêu, thuế và Đạo luật chăm sóc sức khỏe. Các cuộc tranh cãi dằng dai đã hai lần đặt nước Mỹ bên bờ vực vỡ nợ mà lần gần đây nhất là ngày 16-10 vừa qua.

Trước đây, Quốc hội Mỹ thường chờ đợi đến phút cuối cùng mới "lấp đầy những khoảng trống" về vấn đề ngân sách và tăng trần nợ công của Mỹ để tránh vỡ nợ. Song, đó cũng là vấn đề khiến người dân Mỹ không hài lòng. Tình trạng tê liệt tại Washington, đặc biệt là việc các thành phần bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa, gây ra vụ đóng cửa Chính phủ cách đây hơn hai tháng để phản đối chương trình Đạo luật chăm sóc y tế (Obamacare). Lâu nay trong nội bộ hai đảng không xuất hiện "khái niệm nhượng bộ" và sự bất ổn gây ra bởi các cuộc "đấu khẩu" giữa lưỡng đảng trong 3 năm qua là một "thảm họa" đối với các nỗ lực phục hồi kinh tế của cường quốc số một thế giới. Thế nên, động thái đáng mừng vừa diễn ra không chỉ là dấu hiệu tích cực góp phần xoa dịu những bất đồng về chính sách tại Quốc hội Mỹ mà còn giúp nước này tránh các cuộc khủng hoảng chính trị mới. Trong tuyên bố sau đó, Nhà Trắng cho biết dù dự luật không bao hàm tất cả những gì Tổng thống B.Obama kêu gọi, nhưng đã "đánh dấu sự hợp tác giữa hai đảng và cho thấy cả hai bên có thể làm việc cùng nhau để hoàn thành mọi mục tiêu".

Sau nhiều bất đồng từng đẩy nước Mỹ vào vòng nguy hiểm, nhiều nhà kinh tế từng lo ngại việc Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động và đảng Cộng hòa gây bế tắc cho vấn đề nợ công mùa thu vừa qua sẽ gây thêm cản trở cho đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc Hạ viện Mỹ nhanh chóng đồng thuận về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 đã phát đi tín hiệu về những chuyển biến tích cực tại đồi Capitol để nâng đỡ, thúc đẩy các thị trường khác khởi sắc.

Dẫu vậy, vẫn chưa thể lạc quan trong lúc này bởi việc hợp tác giữa hai đảng trong Quốc hội sẽ bị thách thức vào đầu năm 2014, khi Quốc hội phải nâng trần nợ công của liên bang. Sự kiện này sẽ gây ra áp lực rất lớn đối với các Nghị sĩ của đảng Cộng hòa vốn đang yêu cầu Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu công triệt để hơn nữa. Và như thế, khủng hoảng trên chính trường Mỹ vẫn có thể tiếp diễn nếu Con Lừa và Con Voi (biểu tượng của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa) để tuột mất sự thỏa hiệp quý giá vừa đạt được.

Thùy Dương