Mấu chốt là cơ chế vận hành giá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 14/12/2013

(HNM) - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, đã có 83/91 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu (TCC), trong đó, 63/83 đơn vị đã được phê duyệt đề án.


Được xác định là một trong ba mũi nhọn nhằm thực hiện đề án tổng thể TCC nền kinh tế, quá trình TCC khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện thành công đề án này. Song theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiến trình TCC khối DN này đang diễn ra rất chậm và thiếu nhiều yếu tố cơ bản để thực hiện như mục tiêu đề ra. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tập trung vào việc sắp xếp lại vốn, xử lý nợ xấu. Ảnh: Anh Tuấn



- Ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được sau hai năm triển khai TCC DNNN nhằm thực hiện đề án tổng thể TCC nền kinh tế?

- Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về TCC nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đến nay, quá trình này đã triển khai được 2 năm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn rất chậm. Đối với khu vực DN, chúng ta chọn TCC khu vực DN nói chung, nhưng trọng điểm là DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT. Ngay cả khi chọn trục đột phá tương đối hẹp như vậy, đến giờ chúng ta vẫn cơ bản chỉ dừng lại ở những đề án TCC đã được Chính phủ phê duyệt, chứ chưa thực hiện được điều gì mang tính thực tiễn.

Quá trình TCC đã diễn ra nhưng chưa đạt được kết quả như chúng ta muốn, chưa có những bước tiến mang ý nghĩa chiến lược. Tiến trình cải cách khu vực DNNN theo hướng cổ phần hóa cũng diễn ra rất chậm. Trong khi đó, những năm qua, trừ một số TĐ hoạt động kinh doanh theo đúng nghĩa thị trường như dệt may, cao su… làm ăn có hiệu quả, đa số TĐ kinh tế trong khu vực nhà nước đều có vấn đề. Một số đơn vị gặp vấn đề rất nghiêm trọng như: Lỗ, nợ, cạnh tranh kém… Theo báo cáo của Chính phủ, nợ ở khu vực này lên đến 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 5% GDP. Nếu không xử lý ráo riết vấn đề này, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

- Được biết, nhiều TĐ, TCT đã đề xuất phương án TCC và được phê duyệt, ông đánh giá thế nào về đề án mà các DN đưa ra?

- Trên thực tế, từng TĐ, TCT được Chính phủ yêu cầu xây dựng cho mình đề án TCC, chủ yếu là sắp xếp lại vốn, xử lý nợ. Với việc để từng đơn vị tự xây dựng kế hoạch phải làm, tự thu xếp vấn đề của mình thì khó có thể TCC triệt để. Bởi có TĐ, TCT mạnh, nhưng cũng không ít đơn vị yếu kém. Trong khi đó, chuẩn mực, khuôn khổ chung để TCC khối DNNN, đặc biệt là các TĐ, TCT lại chưa được xác định rõ.

Một điểm quan trọng nữa là việc TCC các TĐ, TCT rất tốn kém, phải có chi phí lớn cho sắp xếp lại và xử lý những vấn đề cần cơ cấu như: Nợ xấu, điều chuyển ngành nghề. Để xử lý triệt để những vấn đề này, các TĐ, TCT phải có chi phí, thậm chí chi phí rất lớn. Vậy kinh phí ở đâu ra, ai làm, chúng ta lại chưa trả lời được. Về nguyên tắc, các TĐ, TCT nhà nước nợ nần như vậy, không trả được, để giải quyết việc đó chỉ có Nhà nước mới đủ khả năng mà ngân sách lại đang khó khăn. Vì vậy, điểm mấu chốt ở đây là khuôn khổ để TCC phải áp đặt từ trên xuống, không để các TĐ, TCT muốn làm gì thì làm và quan trọng là phải có nguồn kinh phí thực hiện.

- Vậy theo quan điểm của ông, để thực hiện thành công việc TCC khối DNNN chúng ta cần chuẩn bị những gì?

- Để thực hiện đề án TCC tổng thể nền kinh tế nói chung và khối DNNN nói riêng, phải xử lý một trục rất cơ bản, mấu chốt là chuyển toàn bộ hệ thống giá sang giá thị trường. Trên thị trường, yếu tố điều tiết cơ cấu quan trọng nhất là cơ chế vận hành giá cả. Hiện nay, chúng ta nói về giá thị trường, nhưng vẫn còn một số loại giá chưa theo thị trường như giá năng lượng, giá đất, giá vốn và tiền lương. Đất là nguồn lực đầu vào, phải được tính giá thị trường. Giá vốn là lãi suất, với đối ngoại thì đó là tỷ giá và giá sức lao động là tiền lương, nhất là lương trong khu vực nhà nước. Mấy loại giá cơ bản đó hiện nay vẫn chưa theo thị trường. Các giá sản phẩm năng lượng như giá điện, giá than, giá xăng dầu hiện vẫn do Nhà nước điều tiết, không dám cho vận hành theo thị trường vì rủi ro quá, nhưng giữ lại sẽ càng rủi ro. Một loại giá nữa cực kỳ quan trọng là tỷ giá đồng tiền. Lạm phát bao năm lên cao nhưng giá tiền Việt Nam theo tỷ giá hối đoái rất cứng. Bốn loại giá nền tảng này sẽ quyết định toàn bộ cấu trúc về hệ thống giá. Nếu chúng ta không xử lý vấn đề này thì không thể TCC thành công được.

Riêng với TCC DNNN, nếu không có giá chuẩn thì làm sao chúng ta có thể thực hiện được. Bởi vậy, tôi cho rằng, trước khi thực hiện TCC, phải điều chỉnh trục cơ cấu tổng quát là hệ thống giá. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ bàn các chương trình cụ thể khác thì đề án TCC mới có triển vọng thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Tài chính, Thủ tướng đã phê duyệt 17 đề án TCC của 8 TĐ kinh tế gồm: Dệt may Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Than khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Cao su Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Viễn thông quân đội và đề án của 9 TCT đặc biệt, gồm: TCT Giấy, Thuốc lá, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Cà phê, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Xi măng. Các bộ chủ quản đã phê duyệt đề án của 40 DN và UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt đề án của 6 TCT. Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã phê duyệt đề án TCC của 51 công ty TNHH MTV trực thuộc. Mới đây, Thủ tướng cũng vừa phê duyệt đề án TCC Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015.

Hương Ly