“Hàng hiệu” có làm nên giá trị con người?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:02, 14/12/2013
- Hành vi tiêu dùng ở Việt Nam hiện đang tồn tại khá nhiều bất hợp lý. Ví dụ, người ta sẵn sàng bỏ ra đến 230 triệu đồng để mua một chiếc SH nhập khẩu, trong khi đó, giá của một chiếc SH do Việt Nam sản xuất chỉ 80 triệu đồng. Ông đánh giá thế nào về xu hướng tiêu dùng này?
- Nhìn bề ngoài, cách chi tiêu của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp mới giàu, có phần hơi lạ. Có vẻ như hành vi tiêu dùng của người Việt Nam không chỉ được hướng dẫn bởi lý trí, tức là cân nhắc về bài toán kinh tế mà nó còn được hướng dẫn bởi hàng loạt những đặc điểm văn hóa khác như hình ảnh bản thân, vị thế của mình trong con mắt người khác. Bản chất của con người là sinh vật xã hội cho nên những gì người khác xung quanh suy nghĩ, cảm nhận và hành động tác động rất nhiều đến chúng ta. Ngoài ra truyền thông, văn hóa đại chúng, toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, sự khuyến khích tiêu dùng… đều tác động đến hành vi mua hàng. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng ANZ cũng cho thấy, người Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực có xu hướng mua bán khá tùy tiện. Có vẻ như hành vi tiêu dùng được hướng dẫn bởi cảm xúc, cảm tính khá nhiều.
Văn hóa tiêu dùng đang bị tác động bởi kinh tế thị trường. |
- Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng không ít người vẫn có xu hướng gia tăng mua sắm các mặt hàng đắt tiền. Nguyên nhân tại sao, thưa ông?
- Hành vi tiêu dùng của người Việt Nam xuất phát từ niềm tin cho rằng tôi sẽ hạnh phúc hơn, quan trọng hơn, có vị thế cao hơn trong con mắt của người khác nếu tôi sở hữu những thứ mà người khác mong muốn hoặc không có. Kinh tế hiện nay đặt con người vào vị trí cạnh tranh nhiều hơn, ai cũng muốn mình quan trọng, có ý nghĩa, có giá trị. Hình như những thứ "sành điệu" hay được cho là "cao cấp" mà người đang sở hữu tạo cho mọi người xung quanh cảm giác ấy. Theo nghĩa nào đó, chúng ta đang giàu hơn các thế hệ trước nếu xét về mặt của cải tiêu dùng. Trong giai đoạn đang có nhiều biến đổi như hiện nay, hệ giá trị đang thay đổi, cái cũ, cái truyền thống không còn đủ mạnh để định hướng, còn cái mới lại chưa được xác lập và hình thành một cách vững chắc, nên nhiều người, nhất là thanh niên thường bối rối, lúng túng. Trong bối cảnh ấy, không khó hiểu khi người ta tiêu dùng rất dễ dàng, rất tùy hứng và tâm lý đám đông tác động rất nhiều đến hành vi này.
- Nhiều người cho rằng sử dụng "hàng hiệu" thì mới tương xứng với giá trị con người? Ông nghĩ thế nào về quan niệm này?
- Có vẻ họ có lý theo cách của họ vì hình ảnh, đẳng cấp, thể diện là những điều rất quan trọng đối với nhiều người Việt. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường, định hướng tiêu dùng, giá trị vật chất có vẻ như đang chi phối rất lớn cho nên người ta quan niệm bạn có càng nhiều, bạn càng quan trọng, có ý nghĩa, có sức mạnh. Và như thế người có tài sản sẽ "trình diễn" những gì họ có theo cách của họ. Điều đáng quan tâm là trong trường hợp nếu không có, người ta sẽ làm mọi cách để có, ví dụ có thể đi vay, thậm chí vi phạm pháp luật.
- Hậu quả của xu hướng tiêu dùng trên là gì, thưa ông?
- Văn hóa tiêu dùng ngày nay bị tác động rất nhiều của kinh tế thị trường. Bản chất của kinh tế thị trường là sản xuất và tiêu dùng, mọi thứ đều là hàng hóa và người ta dùng mọi biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng. Điều ấy tốt cho phát triển kinh tế, thúc đẩy con người làm việc nhiều hơn. Nhưng mặt tối của nó là con người dễ bị đắm chìm trong văn hóa tiêu dùng, văn hóa vật chất, đặc biệt là thế hệ trẻ. Văn hóa tiêu dùng làm cho người ta tin rằng tiêu dùng nhiều hơn sẽ có cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn dù ta biết rằng thực tế không đơn giản như vậy. Một số nghiên cứu cho thấy tiêu dùng không phù hợp, mất cân bằng có liên quan đến mức độ căng thẳng, trầm cảm và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Nếu tiêu dùng quá đà, con người sẽ chịu áp lực rất lớn, phải cố làm sao để kiếm được nhiều hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Chưa kể trong hoàn cảnh nguồn lực có hạn, cá nhân thu nhập có hạn, gia đình chưa giàu, xu hướng tiêu dùng này có thể gây nhiều hậu quả về mặt xã hội như tệ nạn, tham nhũng... Và điều đáng lo ngại nhất ở thế hệ trẻ là người ta học tập và làm việc theo động cơ ngoại sinh nhiều hơn là nội sinh. Có nghĩa là chạy theo giá trị vật chất mà coi nhẹ các giá trị tinh thần, giá trị văn hóa quan trọng vốn làm nên cốt cách con người. Có một câu nói rất ý nghĩa là "Hàng hóa là để tiêu dùng, còn con người thì để yêu thương", nhưng ở Việt Nam dường như người ta đang làm điều ngược lại.
- Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn hiện tượng phô trương hình thức, tiêu xài lãng phí?
- Tôi cho rằng không thể giải quyết được vấn đề này trong vòng vài năm. Thay đổi nó phải tính bằng thế hệ và giáo dục trong gia đình, nhà trường là cách làm hiệu quả. Ai cũng rõ thế hệ cha ông chúng ta rất tiết kiệm, vậy ta có thể lấy cách tiêu dùng của thế hệ cha ông để làm gương. Bên cạnh đó, giáo dục cho trẻ lối suy nghĩ lành mạnh, hạnh phúc của một con người, giá trị của con người không chỉ đo bằng khối tài sản, hàng hóa mà mình tiêu dùng mà phải đo bằng sự chia sẻ với người kém may mắn hơn ở xung quanh. Chúng ta cũng nên học tập các nước phương Tây, thúc đẩy một lối sống lành mạnh, đơn giản, cân bằng với thiên nhiên.
- Xin cảm ơn TS!