Chuyện về bà Lịch “a lô”
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:54, 14/12/2013
Bà Nguyễn Thị Lịch, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố 14 phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. |
Đảng còn tin, dân còn giao việc thì còn làm
Con ngõ số 9 phố Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông lát bê tông phẳng phiu sạch bóng không vương một cọng rác. Ngay từ đầu ngõ hỏi thăm bà Lịch, một cậu bé chừng 5-6 tuổi đang chơi trước sân nhà nhanh nhảu: “Cô hỏi thăm nhà "bà công an", "bà a lô" phải không, để cháu chỉ cho!". Bước vào ngôi nhà nhỏ gọn gàng trong khu tập thể Đ2, phường Nguyễn Trãi, tôi không thể tin trước mắt mình là một phụ nữ đã bước sang tuổi 73. Bà cắt tóc ngắn, nhuộm đen, dáng người cao lớn và đặc biệt bước đi vô cùng nhanh nhẹn. Khi tôi kể chuyện đã gặp cậu bé ở đầu ngõ và thắc mắc vì sao bà lại có tên là "bà Lịch a lô", bà cười lớn, chỉ vào hai chiếc loa để ngay ngắn trên bàn rồi giải thích: "Tại hai cái này đây. Ngày nào tôi cũng dùng chúng để nhắc nhở bà con, từ chuyện dọn vệ sinh ngõ phố vào sáng thứ bảy hằng tuần đến khóa cửa kỹ càng trước khi đi ngủ, cảnh giác khi có người lạ xuất hiện trong khu, xe máy để ngoài cửa nhớ khóa cổ, khóa càng… rồi đến việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, những phong trào của quận, phường, các việc của tổ dân phố. Nhiều người còn gọi tôi là bà "chưa thấy hình đã thấy tiếng nữa".
Nhiều người dân trong tổ 14, phường Nguyễn Trãi còn kể cho tôi nghe những chuyện "buồn cười" nhưng vô cùng hiệu quả mà bà Lịch đã làm. Lúc nào ra khỏi nhà, khoác trên mình bộ đồng phục của lực lượng bảo vệ dân phố là khi đó trên tay bà có cái loa. Đó là lúc bà đi tuần, bất kể nắng mưa, ngày ít nhất hai lần vào lúc chạng vạng tối và khi đêm khuya. Bà bảo hai thời điểm này nhiều người bất cẩn, đèn đường chưa bật hoặc ngõ phố vắng người, trộm cắp rất dễ hoành hành. Ngoài tiếng loa nhắc bà con kiểm tra cửa cổng, hễ phát hiện đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn là bà lẽo đẽo đi theo sau, vừa đi vừa "a lô" kêu gọi mọi người cảnh giác giữ gìn tài sản. Điều này khiến nhiều đối tượng chột dạ, lủi mất. Có kẻ còn quay lại quát: "Ai làm gì mà bà cứ oang oang lên thế. Bà cẩn thận đấy!" Bà nghe thế liền giơ thẳng loa, nói to: "Tôi không biết ai tốt xấu thế nào nhưng anh ở đâu đến, không quen ai thì vào đây làm gì. Tôi thấy có người lạ thì nhắc nhở bà con cẩn thận thôi, có làm gì ai đâu". Dân phố nhiều người nghe thấy thế thì mở cửa chào bà, đối tượng lạ liền nhanh chóng lủi mất.
Người ở nơi khác đến tổ dân phố 14 sẽ thấy nhà nào cũng dùng chốt ngang để khóa cửa cổng, cả 400 hộ chắc chắn như nhau, đó cũng là công của bà Lịch. Ngày ngày đi tuần bà kiểm tra khóa cổng, khóa cửa từng nhà một, nhà ai cổng đã mọt hoặc dùng khóa sơ sài bà đều vận động thay khóa tốt. Nhà nào khó khăn chưa thay được, bà đưa tiền cho mượn mà mua khóa, bảo khi nào có trả bà cũng được. Buổi tối ai để xe máy ngoài ngõ, bà đều nhắc nhở không dắt vào nhà thì phải khóa cổ, khóa càng. Chủ nhà bận việc chưa ra, bà cứ đứng ở cửa gọi loa, đến lúc nào ra thì bà mới chịu đi sang nhà khác. Dân phố tổ 14 cũng đã quen với nếp 6h sáng thứ bảy hằng tuần lại bị đánh thức bởi tiếng loa "mời mọi người dậy quét đường, giữ gìn vệ sinh chung, mỗi người chỉ mất vài phút, mỗi nhà một người nhưng sạch đường, đẹp phố, nếp sống văn minh". Bà kiên nhẫn giơ loa nói đến khi nào mọi người, mọi nhà tham gia đầy đủ mới thôi. Ban đầu cũng có người thích "ngủ nướng" vào ngày nghỉ khó chịu vì tiếng loa của bà nhưng lâu dần thành quen, mọi người đều vui vẻ tự giác chấp hành. Thành ra các đường ngõ chỗ nào cũng sạch bong, việc vệ sinh công cộng ở tổ 14 đã thành nền nếp, trở thành điển hình tiên tiến của phường Nguyễn Trãi, nhiều năm liền được quận, phường khen thưởng.
Không có việc gì xảy ra ở khu phố qua mắt được bà Lịch nên nhiều năm qua, mặc dù nằm trên địa bàn một phường trung tâm của quận Hà Đông nhưng tổ 14 chưa từng xảy vụ trộm cắp nào, như một người dân nói vui là "cái kim cũng không mất". Có được kết quả này là nhờ một phần không nhỏ công sức của bà Lịch. Dù đã quá tuổi "xưa nay hiếm", bà vẫn chưa ngày nào quên công việc đi tuần và khi phát hiện đối tượng khả nghi là theo đến tận cùng. Có lần bà đã truy đuổi đối tượng trộm cắp xe đạp đến tận cánh đồng Lê Lai, vừa đuổi vừa gọi loa khiến đối tượng hoảng sợ vứt cả xe tang vật vừa trộm cắp. Có đối tượng đêm khuya mang cả thang nhôm đột nhập tầng hai một nhà trong khu tập thể, bị bà Lịch phát hiện, truy đuổi, phải bỏ cả thang lại để chạy thoát thân…
Người tốt toàn diện
Ông Lê Đình Chính - Tổ trưởng tổ dân phố 14 đã khẳng định với phóng viên Hànộimới như vậy. Còn ông Bùi Đăng Tỵ - Bí thư Chi bộ tổ 14 thì cả quyết cho rằng: "Bà Lịch là phụ nữ mà làm công việc của nam giới nhưng tích cực, có tâm lắm. Dù tuổi đã cao nhưng việc gì cũng làm, không nề hà bất cứ việc công nào". Quả thật, không có việc gì của khu phố bà không tham gia. Hiện nay có lẽ bà Lịch là người nắm nhiều "chức vụ" nhất ở tổ 14. Ngoài Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố, bà còn tham gia trong các hội đoàn thể phụ nữ, hòa giải, cựu chiến binh… Đến việc thổi còi gọi các cháu nhỏ trong khu dậy tập thể dục trong suốt ba tháng hè hay quét dọn nhà văn hóa của khu, bà cũng đảm nhiệm nốt. Nhiều người nể phục cái tâm của bà đối với những phong trào vận động quyên góp từ thiện, dù chỉ sống bằng đồng lương hưu ít ỏi nhưng việc gì bà cũng tham gia và đóng góp không nhỏ.
Kể từ khi nghỉ hưu năm 1980, 33 năm nay bà liên tục tham gia công tác cơ sở, chưa một ngày ngơi nghỉ và luôn hết mình vì việc chung, chủ yếu thời gian làm công tác bảo vệ an ninh trật tự khu phố. Nhiều năm liền bà đạt danh hiệu cá nhân xuất sắc trong phong trào đấu tranh trấn áp tội phạm, được TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khen thưởng, được thành phố vinh danh gương Người tốt việc tốt tiêu biểu, được Công an thành phố tặng bằng khen… Trong ngôi nhà nhỏ của bà, có lẽ những tấm bằng khen treo la liệt khắp nơi là tài sản đáng giá nhất. Và một điều ít người biết rằng, suốt từ năm 1980 đến tận năm 2009, cho dù công việc vất vả lại chưa có chế độ phụ cấp nhưng bà cũng không đòi hỏi gì. Nhiều người bảo bà "gàn", "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhưng bà chỉ tâm niệm, đất nước mình còn nghèo, bản thân đã có lương hưu, lại sống một mình nên cũng chẳng cần gì nhiều. Khi tôi hỏi bà định đến khi nào nghỉ ngơi, bà cười: "Khi nào Đảng còn tin, dân còn giao việc thì tôi còn làm".