Vì sao gần 10 năm chưa hoàn thành?

Xã hội - Ngày đăng : 05:48, 14/12/2013

(HNM) - Một dự án được đầu tư xây dựng để tiêu úng cho hàng nghìn héc ta của 6 xã ở huyện Sóc Sơn, nhưng gần 10 năm trôi qua vẫn chưa hoàn thành. Sự chậm trễ này khiến người dân nơi đây bị thiệt hại nhiều do úng ngập, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.


Bà Lê Thị Minh, cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Sóc Sơn cho biết, cuối năm 2003, UBND TP Hà Nội phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu nội đồng vùng trũng Đông Bắc của huyện, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập cho hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu ở các xã Trung Giã, Tân Hưng, Tân Minh, Bắc Phú, Xuân Giang và Việt Long. Dự án có tổng mức đầu tư 24,55 tỷ đồng, trong đó hạng mục xây lắp hơn 17,3 tỷ đồng, chi khác bao gồm cả giải phóng mặt bằng gần 5,1 tỷ đồng... Đến năm 2005, dự án được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên gần 26,7 tỷ đồng. Theo thiết kế, khi hoàn thành, dự án bảo đảm tiêu úng cho 5.100ha đất, riêng diện tích thường xuyên bị ngập hằng năm khoảng 1.100ha. Đi đôi với việc nạo vét 7 tuyến kênh, đào đắp nâng cao và bê tông mặt bờ vùng các tuyến kênh..., việc đầu tư cải tạo một số tuyến đường dân sinh và giao thông thủy lợi nội đồng cũng được đề cập trong dự án để kết nối vùng dân cư lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong khu vực.

Sau khi được thành phố bố trí vốn và phê duyệt thu hồi 35.676m2 đất giao cho chủ đầu tư, huyện Sóc Sơn tổ chức đấu thầu và triển khai 3 gói thầu. Song, chỉ có 1 gói thầu nạo vét kênh mương được thực hiện vào cuối năm 2005; còn lại các gói thầu số 2 và 3 đào đắp, bê tông, bờ vùng chưa triển khai do thiếu mặt bằng. Tuy nhiên, khoảng 5 tháng sau kể từ ngày khởi công, gói thầu số 1 cũng phải dừng lại do công trình này triển khai trên đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Do việc quy hoạch và quản lý đất đai trên địa bàn chưa sâu sát, quá trình khảo sát, thu thập số liệu hiện trạng phục vụ lập dự án, huyện Sóc Sơn xác định đây là đất công không phải đền bù, song trên thực tế diện tích thu hồi lại là đất sản xuất nông nghiệp, dẫn đến hàng loạt vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Để kịp thời tháo gỡ, năm 2007 thành phố ủy quyền cho huyện Sóc Sơn phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 2982/QĐ-UBND ngày 15-10-2007 với tổng mức đầu tư gần 49,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí cho nhiệm vụ giải phóng mặt được nâng lên gần 22,4 tỷ đồng do tăng diện tích và chính sách đền bù có nhiều thay đổi. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 1335/QĐ-UB ngày 11-4-2008, thu hồi 96.522m2 đất tại các xã Xuân Giang, Bắc Phú, Việt Long giao cho huyện Sóc Sơn thực hiện dự án. Trên cơ sở bổ sung diện tích, huyện Sóc Sơn tiếp tục triển khai công tác GPMB và bàn giao quỹ đất sạch cho các nhà thầu thi công các gói thầu số 2 và số 3. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Sóc Sơn, đến nay, các hạng mục công trình dự án đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng công việc, khối lượng còn lại chỉ khoảng 25%, nhưng gặp khá nhiều vướng mắc, nhất là đoạn cuối của công trình đi qua khu dân cư thuộc làng Lương Phúc, xã Việt Long. Tại đây, có 64 hộ dân sinh sống ổn định lâu dài từ trước ngày 15-10-1993. Để GPMB được khu đất này phải bố trí tái định cư cho các hộ bị mất đất ở. Không những thế, khu vực này còn chịu ảnh hưởng của việc thi công quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên), nhiều đoạn kênh mương phải điều chỉnh hướng tuyến và bị chia cắt thành nhiều đoạn. Theo tính toán của huyện Sóc Sơn, để hoàn thành tổng thể Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu nội đồng vùng trũng Đông Bắc, kinh phí đội lên gần 109,4 tỷ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với dự toán đã điều chỉnh do phải bổ sung chi phí GPMB và kinh phí trượt giá.

Sự chậm trễ cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu nội đồng vùng trũng Đông Bắc đã gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở nơi đây rất bấp bênh, mỗi khi có mưa lớn, hàng trăm hécta lúa, hoa màu của người dân chìm trong nước. Đặc biệt, năm 2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và 6 làm úng ngập 950ha đất canh tác, gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp cho một số xã của huyện Sóc Sơn.

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ nêu trên, gây những bức xúc cho người dân địa phương, lãnh đạo huyện Sóc Sơn thừa nhận, ngoài lý do thiếu kinh phí còn do sự thiếu chính xác trong quá trình chuẩn bị lập dự án đầu tư, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề trong công tác GPMB, kéo dài thời gian thi công, làm tăng chi phí xây lắp, GPMB... Người dân các xã vùng trũng Đông Bắc của huyện Sóc Sơn mong muốn UBND TP Hà Nội và chính quyền, các ban, ngành của huyện Sóc Sơn sớm cân đối nguồn, bố trí vốn để dự án sớm được hoàn thành, chấm dứt cảnh ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hữu Hoài