Khuyến khích doanh nghiệp lớn, có quy hoạch dài hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 13/12/2013

(HNM) - Chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản (TNKS) quá thấp, tiến độ lập quy hoạch chậm, quy hoạch thăm dò khai thác chưa gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường; cấp phép khai thác sai quy định; nhiều địa phương buông lỏng quản lý; nhiều doanh nghiệp làm ăn theo kiểu "chộp giật", "mì ăn liền" và tìm mọi cách "lách" luật… Những bất cập này đã và đang khiến TNKS của nước ta bị khai thác một cách bừa bãi, lãng phí…

50% giấy phép cấp không đúng quy định

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tổng số 957 giấy phép về thăm dò và khai thác khoáng sản được cấp từ năm 2011 đến năm 2012, có tới hơn nửa được cấp không đúng quy định. Ngoài ra, theo đánh giá của Viện Giám sát nguồn thu Mỹ, chỉ số quản trị TNKS của Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 43 trong tổng số 58 quốc gia được khảo sát.

Để xảy ra thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do công tác điều tra cơ bản để xác định tiềm năng khoáng sản còn nhiều bất cập. Mỗi năm, Việt Nam chi 180 tỷ đồng cho việc quản trị tài nguyên, nhưng con số này chỉ đáp ứng 40% điều tra cơ bản. Bên cạnh đó, tiến độ lập quy hoạch cũng còn hạn chế, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản cũng chưa gắn chặt với quản lý đất với bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, cách tính thuế hiện nay chưa khuyến khích phần tận thu cũng như tiết kiệm khoáng sản. Lấy ví dụ như thuế tài nguyên hiện nay chúng ta vẫn đang "cào" bằng, phân loại thuế theo chủng loại khoáng sản mà chưa tính đến điều kiện khai thác, chất lượng khoáng sản.

Lý giải về việc có một nửa giấy phép do các địa phương cấp không đúng quy định, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận trong thời gian dài, nhiều địa phương đã quá nôn nóng trước áp lực phát triển kinh tế nên dẫn đến tình trạng này. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có một phần trách nhiệm là ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm. Việc thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên… Trước đây, khi địa phương cấp giấy phép khai thác mỏ thì không phải thăm dò, chỉ cấp phép cho làm 3-5 năm. Việc thăm dò rất quan trọng để biết được trữ lượng khoáng sản là bao nhiêu, từ đó quyết định tới việc đầu tư trang thiết bị cho việc khai thác, chế biến. Nhưng, người ta đã không thăm dò vì sợ mất một khoản chi phí. Hơn nữa, doanh nghiệp (DN) làm mỏ ở ta không có kinh phí, cứ nghĩ "vào xúc khoáng sản ra bán là có tiền", nên rất "ngại" bỏ ra cả tỷ đồng cho việc thăm dò. Luật Khoáng sản mới (ban hành năm 2010) đã hạn chế điều này, tức là khi muốn khai thác mỏ lớn hay nhỏ đều phải thăm dò.

Loại bỏ kiểu làm ăn "chộp giật"

Đã từng có câu hỏi được đặt ra, TNKS là một trong những lĩnh vực tồn tại nhiều tham nhũng nhất. Năng lực giám sát yếu, pháp luật chưa hoàn thiện đang làm cho tài nguyên chảy vào túi một nhóm người. Trong khi đó, rất nhiều DN chỉ khai thác theo kiểu "chộp giật" và tìm mọi cách để "lách" luật. Theo quy định, DN khi được cấp phép khai thác khoáng sản phải cam kết xây dựng hạ tầng cho địa phương và phải ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Nhưng những điều này đã bị DN "bỏ quên" không thực hiện. Trong khi đó, chế tài để ép DN thực hiện các cam kết này rất lỏng lẻo. Kết quả là khai thác khoáng sản đã, đang làm cho người dân phải chịu ô nhiễm môi trường và đói nghèo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp khai khoáng đã, đang đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế đất nước khi hằng năm đóng góp khoảng 10-11% GDP của cả nước. Nhưng tài nguyên thì hữu hạn, do vậy việc khai thác, sử dụng tài nguyên phải minh bạch và hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, Luật Khoáng sản mới đã từng bước khắc phục được những bất cập này song để thực sự hiệu quả thì chỉ nên khuyến khích các DN lớn, có quy hoạch phát triển dài hạn; không khuyến khích DN đầu tư vào khai thác khoáng sản khi không có đủ các điều kiện như tài chính, máy móc, công nghệ... Tài nguyên khoáng sản là tài sản quý giá của quốc gia. Do đó, ăn cắp trái phép khoáng sản là hành vi "tham nhũng" nghiêm trọng, cần phải truy tố để ngăn chặn triệt để. "Trước đây, quan điểm Nhà nước là mở cửa gọi đầu tư. Đến năm 2010, sửa luật, quan điểm mới là phát triển bền vững nên phải "co lại". Khi phê duyệt phải cấp phép, xem xét tất cả các mặt về lợi ích kinh tế, môi trường, an ninh chính trị. Không thể để tình trạng đến vài nghìn DN làm khoáng sản như hiện nay, các DN nhỏ nên tập hợp thành các DN lớn để cùng khai thác khoáng sản" - Ông Ngọc nhấn mạnh.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu khả năng tham gia vào sáng kiến quốc tế về minh bạch công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI). EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu, có 2 cơ chế chủ yếu. Thứ nhất, các công ty khai khoáng minh bạch, công khai các khoản chi báo cáo Chính phủ và ngược lại, Chính phủ công khai các khoản thu từ các công ty khai khoáng và chi vào những khoản nào. Thứ hai, thành lập một tổ chức có đại diện của các bên liên quan để đối chiếu tất cả các số liệu thu được giữa DN và Nhà nước.

Tuấn Khải