Xét xử "đại án tham nhũng” tại Vinalines

Pháp đình - Ngày đăng : 12:47, 12/12/2013

Sáng 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Hội đồng xét xử gồm 5 người, 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh; kiểm sát viên Nguyễn Chí Dũng và Trương Tuấn Hưng giữ quyền công tố tại phiên tòa. Trong buổi xét xử đầu tiên, 12 luật sư đã có mặt để tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Phiên tòa cũng có sự tham dự của các nguyên đơn dân sự; người làm chứng. Phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước dự, đưa tin về phiên tòa.

Sau khi nghe thư ký tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập có mặt, chủ tọa phiên tòa đã tiến hành kiểm tra căn cước và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa.

Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.


Tại phiên tòa, một số luật sư đề nghị triệu tập giám định viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam và giám định viên của công ty giám định độc lập có tham gia trong quá trình khảo sát, quyết định đầu tư mua ụ nổi 83M của Vinalines với lý do tất cả các quyết định của tập thể Tổng Công ty cũng như của cá nhân Chủ tịch Dương Chí Dũng, Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc đều căn cứ trên 2 văn bản giám định của 2 đơn vị này. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Thị Ánh cho biết hồ sơ bản án đã có kết luận rõ ràng, trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét triệu tập.

Sau khi làm xong các thủ tục quy định, Hội đồng xét xử bước sang phần xét hỏi, trước khi xét hỏi, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đọc bản cáo trạng.

Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ Luật Hình sự.

10 bị cáo bị truy tố về tội danh này gồm: Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải); Mai Văn Phúc (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên Tổng giám đốc Vinalines); Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines); Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines); Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines); Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Viễn Dương Vinashin); Lê Văn Dương (đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam); Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên Phó Chi cục trưởng và cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa).

Riêng 4 bị cáo: Dũng, Phúc, Sơn, Chiều còn bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4 - Bộ Luật Hình sự.

Theo cáo trạng số 16/VKSTC - V1B của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Trong thời gian Vinalines tiến hành triển khai dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tiến hành tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng, thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP - Singapore. Quá trình triển khai dự án, Dương Chí Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã cùng với Mai Văn Phúc (Tổng Giám đốc), Trần Hữu Chiều (Phó Tổng Giám đốc), Bùi Thị Bích Loan (Kế toán trưởng), Mai Văn Khang (thành viên Ban quản lý dự án Vinalines), Trần Hải Sơn (Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái Luật Đầu tư năm 2005; Luật Đấu thầu, Luật Kế toán năm 2003; Bộ Luật Hàng hải năm 2005; Luật Thương mại năm 2005; và các Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình; điều kiện nhập khẩu tàu biển...

Cơ quan chức năng xác định, việc làm trên của các bị cáo gây lãng phí, thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỷ đồng và tham ô 28 tỷ đồng qua thương vụ mua ụ nổi 83M.

Về số tiền tham ô 1,66 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng), cáo trạng nêu rõ, theo kết quả khảo sát của Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và Mai Văn Khang, giá ụ nổi 83M chỉ dưới 5 triệu USD. Thậm chí, công ty bán ụ nổi cho Vinalines trước đó mua lại giá ụ nổi này giá chỉ 2,3 triệu USD. Tuy vậy, ngày 15/2/2008, Dương Chí Dũng đã ký Quyết định số 186/QĐ-HĐQT phê duyệt điều chỉnh phương thức đầu tư dự án mua ụ nổi 83M của Công ty AP-Singapore với giá là 9 triệu USD để ăn chia với các công ty môi giới và công ty bán tàu của nước ngoài.Trong đó, bị cáo Dũng tham ô 10 tỷ đồng; bị cáo Phúc tham ô 10 tỷ đồng; bị cáo Sơn tham ô gần 8 tỷ đồng; bị cáo Chiều tham ô 340 triệu đồng.Trong quá trình điều tra, bị cáo Dũng và Phúc không thừa nhận hành vi tham ô như cáo trạng của Viện kiểm sát.

Đối với những vấn đề khác tại Vinalines chưa được điều tra, làm rõ trong vụ án này như việc mua bán tàu biển, quản lý, khai thác cảng biển, đầu tư ngoài ngành… Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để kết luận xem xét xử lý theo quy định pháp luật là phù hợp.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày (12 - 14/12/2013)./.

Theo Thu Hằng