Khắc phục nhược điểm, chuẩn hóa hoạt động

Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 12/12/2013

(HNM) - Sau hơn 5 năm thực hiện mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều: Tiếp tục duy trì và nên từ bỏ.



Để có căn cứ lý luận cũng như thực tiễn, đánh giá tính hiệu quả của mô hình này, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện chuyên đề "Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trực thuộc TP Hà Nội". Kết quả đã khẳng định được ý nghĩa, vai trò cũng như những vấn đề đặt ra của mô hình này.

Hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn ngày càng, đi vào nền nếp.


Ngày 10-10-2007, Ban Tổ chức TƯ ban hành Hướng dẫn số 10-HD/BTCTƯ về việc "Thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn" (gọi tắt là Hướng dẫn số 10). Mô hình chi bộ này trực thuộc và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy xã, phường, thị trấn; bao gồm đảng viên là cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn làm việc thường xuyên tại trụ sở. Thực hiện hướng dẫn trên, các địa phương đã đồng loạt triển khai tổ chức thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn. Đến nay, thời gian thực hiện đã được 5 năm.

Với Hà Nội, trước khi có Hướng dẫn số 10, 9/14 quận, huyện ủy (Hà Nội cũ) gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm và Đông Anh đã chỉ đạo thành lập 137 chi bộ cơ quan trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Thậm chí, có những chi bộ cơ quan phường được thành lập từ năm 1981, 1982 như ở quận Hai Bà Trưng hay như chi bộ thị trấn Đông Anh, thị trấn Cầu Diễn được thành lập từ năm 1983. Riêng trong giai đoạn 1980-1989, đã có 21 chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn tại Hà Nội được thành lập. Các chi bộ đã thành lập đến nay vẫn hoạt động bình thường, khẳng định được vai trò, vị trí. Dù tên gọi các chi bộ khác nhau, cơ cấu đảng viên ở các quận cũng chưa đồng nhất nhưng việc thành lập, tồn tại của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn tại Hà Nội từ nhiều năm qua xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại cơ sở.

Sau khi có Hướng dẫn số 10, việc thành lập và tổ chức hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội ngày càng mở rộng, đi vào nền nếp. Đến tháng 12-2009, đã có 576/577 xã, phường, thị trấn thành lập chi bộ cơ quan. Đến năm 2013, chi bộ cơ quan xã cuối cùng (Việt Hùng - Đông Anh) được thành lập. Kết quả khảo sát của Ban Tổ chức Thành ủy cho thấy, chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn có chất lượng cả về tổ chức và hoạt động. Số lượng, chất lượng đảng viên, chi ủy viên chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn tăng từng năm. Năm 2008 có 6.090 đảng viên sinh hoạt tại 385 chi bộ, đến tháng 12-2012, có 11.569 đảng viên sinh hoạt tại 576 chi bộ. Phần lớn đảng viên ở chi bộ cơ quan được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, 55,2% đạt trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên, 57,6% đảng viên chi bộ cơ quan có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đa số chi bộ cơ quan đều cơ cấu các đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy, đảng ủy viên hoặc trưởng ngành, đoàn thể tham gia chi ủy chi bộ. Các chi bộ đều xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên. Hầu hết chi bộ đều tổ chức sinh hoạt nghiêm túc, có nền nếp, định kỳ mỗi tháng một lần, thường vào ngày 3-10 hằng tháng sau khi chi bộ dân cư sinh hoạt. 9/9 chi bộ được khảo sát có sổ ghi chép chi tiết nội dung sinh hoạt chuyên đề, kết luận của bí thư và biểu quyết nghị quyết.

Qua điều tra, khảo sát, Ban Tổ chức Thành ủy khẳng định từ khi thành lập đến nay, hầu hết chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn tại Hà Nội đã thực hiện đúng hướng dẫn, hoạt động ngày càng hiệu quả, thể hiện được vai trò, trách nhiệm. Năm 2012, 576/576 chi bộ tham gia đánh giá chất lượng chi bộ, trong đó có 449 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh (78%); 105 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ (18,2%); 21 chi bộ đạt hoàn thành nhiệm vụ; chỉ có 1 chi bộ yếu kém.

Có 11 quận ủy và 8 huyện ủy đề nghị tiếp tục mô hình này. 10 huyện, thị ủy có ý kiến khác (4 huyện ủy đề nghị chỉ duy trì mô hình này ở phường, thị trấn; 6 huyện, thị ủy đề nghị không duy trì mô hình này). Nguyên nhân chính được các địa phương đưa ra là sau khi thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, lại có tình trạng cán bộ quan liêu, xa dân, không nắm được tình hình cơ sở. Tuy nhiên, Ban Tổ chức Thành ủy khẳng định, nguyên nhân thực tế không phải do mô hình này mà do công tác tổ chức cán bộ, việc nhận thức và xây dựng, thực hiện quy chế hoạt động. Sau khi được Ban Tổ chức Thành ủy phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đại điện 10 huyện, thị ủy nói trên đã đồng thuận và nhất trí tập trung khắc phục hạn chế, chuẩn hóa hoạt động của các chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.

Việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là phù hợp với tình hình thực tế của Đảng bộ TP Hà Nội, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ hệ thống chính trị giữa tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành. Quan trọng, chi bộ theo mô hình này đã tạo được nhân tố nòng cốt trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ xã, phường, thị trấn.

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Phan Chu Đức: Một số nơi lấy lý do thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn không dự họp ở cơ sở không bám sát được tình hình là ngụy biện. Vì thực tế không dự họp, các đồng chí có nhiều cách để nắm bắt; vấn đề là có thực sự quan tâm, có làm hết trách nhiệm hay không. Chưa kể những nơi phản ánh như vậy chưa thực hiện đúng Hướng dẫn số 10 của Ban Tổ chức TƯ. Huyện ủy, ban tổ chức huyện ủy chưa làm tròn trách nhiệm, chưa quan tâm, giúp đỡ cơ sở xây dựng quy chế hoạt động, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục bất cập trong quá trình hoạt động.

Võ Lâm