Nền tảng cho xây dựng xã hội học tập
Giáo dục - Ngày đăng : 06:09, 12/12/2013
Mở rộng quy mô
Ngày mới thành lập, Hội chỉ có 20 chi hội, đến dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, Hội KHHN đã có mặt ở 100% quận, huyện, thu hút gần 30 nghìn hội viên. Số lượng hội viên Hội KHHN đã tăng lên gấp hơn ba lần vào năm 2008 - khi Hội tròn 10 tuổi. Từ năm 2008, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, quy mô của Hội KHHN tăng nhanh cả về số tổ chức cơ sở và số lượng hội viên.
Hội Khuyến học Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. |
Đến nay, sau 15 năm xây dựng và phát triển, Hội KHHN đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn, có quy mô hoạt động rộng khắp tại 29/29 quận, huyện, thị xã, 577/577 xã, phường, thị trấn. Toàn thành phố hiện có gần 9.000 cơ sở hội với hơn 540 nghìn hội viên.
Với mục tiêu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, 15 năm qua, Hội KHHN đã xây dựng, hoàn chỉnh các mô hình và quy trình xây dựng, công nhận gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH), cộng đồng khuyến học (CĐKH)… Cuộc vận động xây dựng GĐHH, DHHH, CĐKH ngày càng được mở rộng, góp phần khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân học tập ở cả trong và ngoài nhà trường. Toàn thành phố có khoảng gần 20 vạn GĐHH, gần 2 nghìn DHHH…
Năm 2013, trong dịp thi đua lập thành tích hướng tới Đại hội thi đua khuyến học Việt Nam lần thứ ba, nhiều điển hình về tổ chức, hoạt động khuyến học tại cơ sở đã được Hội KHHN biểu dương và khen thưởng. Điểm rõ nét là trong danh sách biểu dương xuất hiện các điển hình ở hầu hết các quận, huyện, thị xã, trong đó, Tây Hồ là đơn vị xuất sắc nhiều năm của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Hà Nội với 80% GĐHH, 80% dòng họ có chi hội khuyến học, hằng năm hội có số quỹ lên tới 2,5 tỷ đồng. Quận Cầu Giấy có 75% GĐHH, 100% dòng họ có chi hội khuyến học. 14/14 phường của quận Long Biên đều đạt danh hiệu CĐKH…
Đa dạng hoạt động
Với mục tiêu và ý nghĩa trong việc cải thiện trình độ, đặc biệt là tạo ra hiệu ứng trong việc thúc đẩy mọi người dân đối với việc học, coi học tập là "chìa khóa" để nâng cao chất lượng cuộc sống, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập, mỗi chi hội khuyến học lại có cách làm riêng. Các sáng kiến, mô hình hoạt động hiếu học của các chi hội đã tạo nên những dấu ấn đậm nét của khuyến học Thủ đô, được đồng nghiệp ở nhiều địa phương khâm phục và học tập.
Ngoài việc phát động mô hình GĐHH, DHHH, CĐKH, Hội Khuyến học huyện Thanh Trì đã tham mưu với lãnh đạo huyện xây dựng mô hình Gia đình cử nhân, Gia đình tú tài với tiêu chí cụ thể để thu hút cộng đồng phấn đấu. Đến nay, huyện đã công nhận hơn 10 nghìn lượt Gia đình cử nhân, 38 nghìn lượt Gia đình tú tài, góp phần tăng tỷ lệ GĐHH của toàn huyện lên 73%. Đây cũng là một trong những đơn vị phát triển mạnh quỹ khuyến học, khuyến tài với số tiền là 6 tỷ đồng.
Không chỉ quan tâm tới việc học tập trong mỗi gia đình, hoạt động khuyến học ở quận Hoàng Mai còn khích lệ những người lao động có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đem lại năng suất, chất lượng cao, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong Ngày hội khuyến học hằng năm, Hội khuyến học quận đều vinh danh, khen thưởng những "bàn tay vàng". Người được vinh danh là những lao động bình thường trên nhiều lĩnh vực, có thể là thợ cơ khí, thợ thủ công, người trồng hoa, cây cảnh, làm dịch vụ giỏi…
Phong trào Mâm cỗ khuyến học cũng phát triển ở nhiều phường, xã tại Long Biên, Mê Linh và trở thành hoạt động ý nghĩa, được nhiều nơi học tập. Mỗi đôi trai gái khi kết hôn sẽ góp số tiền tương đương một mâm cỗ cho quỹ khuyến học địa phương để hỗ trợ cho HS nghèo. Huyện Sóc Sơn có phong trào Tiếng loa khuyến học, góp phần đưa việc tự học của con em người dân trên địa bàn ngày càng nền nếp, chất lượng. Thôn Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ đã xây dựng quy ước trong làng khắc bia ghi danh các đơn vị, cá nhân hảo tâm đóng góp cho quỹ khuyến học và thường xuyên trích quỹ làm phần thưởng cho HS nghèo…
Nhiều GĐHH, DHHH cũng có nhiều nỗ lực trong cách làm khuyến học, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, dòng tộc và nâng cao dân trí cho cộng đồng. Điển hình là dòng họ Bùi Đình ở xã Tráng Việt (Mê Linh) hỗ trợ tiền nuôi hai em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thời gian học ĐH. Chi hội khuyến học khu dân cư số 2 Làng Hồ, phường Bưởi, quận Tây Hồ là một trong những khu dân cư sớm có thư viện sách báo cho cộng đồng, thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu thông tin thời sự, kiến thức phổ thông… Chi hội khuyến học chùa Trung Hậu, xã Tiền Phong tổ chức lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho con em trong xã, hỗ trợ kinh phí cho nhiều HS khó khăn…