Cách phòng ngừa ngộ độc rượu

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:23, 11/12/2013

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ngày 10/12 đã có cảnh báo về tác hại, nguyên nhân và cách phòng ngừa ngộ độc rượu.

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho rằng, ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.

Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện: Nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp có thể tử vong nếu không được cấp cứu.



Ngộ độc rượu có thể do uống phải rượu giả, rượu có chứa methanol hoặc uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) có chứa các độc tố. Vì vậy, Cục ATTP đã có khuyến cáo người dân cách phòng ngừa ngộ độc rượu:

-Không uống quá nhiều rượu (<30 ml/người/ngày nồng độ từ 30 độ trở lên/ngày).

-Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol >0,05% vì gây mù mắt và tử vong cao.

Không uống rượu khi:

-Không biết đó là nước gì.

-Rượu không rõ nguồn gốc.

-Khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng.

-Rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

-Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá, hay những rượu ngâm theo theo kinh nghiệm các nhân.

-Cấm trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia, cấm người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước uống có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên.

Thuỳ Minh