Đến hẹn lại lo!
Xã hội - Ngày đăng : 07:27, 11/12/2013
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, dịp Tết Giáp Ngọ 2014, số lượng sản phẩm GSGC sẽ tăng khoảng 50% so với trung bình các tháng khác. Do vậy, yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp này rất lớn. Phó Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, việc kiểm soát các sản phẩm GSGC vẫn còn nhiều khó khăn, bởi nhiều người kinh doanh, vận chuyển cố tình né tránh việc khai báo tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành. Trong khi đó, Hà Nội có quá nhiều đường ra, vào nên 11 chốt kiểm dịch đang hoạt động chưa đủ khả năng để có thể kiểm tra được hết các loại phương tiện vận chuyển GSGC từ các địa phương khác về Thủ đô. Hơn nữa, chăn nuôi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng chủ yếu theo hình thức nuôi hộ gia đình với số lượng ít dẫn tới việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ là rất khó khăn.
Ngoài ra, Quyết định số 47 của Bộ NN&PTNT quy định số lượng động vật phải thực hiện kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện, nếu để giết mổ thì phải trên 5 con đối với trâu, bò và lợn; trên 50 con đối với gà, vịt, ngan ngỗng; trên 50kg đối với thịt, nội tạng, phụ phẩm. Với số lượng thấp hơn thì chưa có quy định phải có sự kiểm tra, xác nhận của chính quyền địa phương hay cơ quan chuyên môn. Đây cũng là bất cập trong quản lý nguồn gốc động vật đưa vào chăn nuôi, giết mổ. Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Xuyên Phùng Văn Tảo cho biết, trong năm 2013, huyện đã xử lý 14 trường hợp, tiêu hủy 8.570 con gia cầm và 4.600 quả trứng không rõ nguồn gốc. Gần đến Tết Nguyên đán tình hình vận chuyển, buôn bán GSGC sẽ sôi động hơn, trong khi đó công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Không những thế, thủ đoạn của các thương lái rất tinh vi, họ thường chia nhỏ số lượng động vật khi vận chuyển để né tránh sự kiểm tra của các ngành chức năng.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình cho rằng, để tăng cường công tác kiểm soát sản phẩm động vật trong và sau Tết, tại các chốt kiểm dịch liên ngành sẽ duy trì trực 24/24h, nhằm kiểm soát mọi sản phẩm vào, ra thành phố, bảo đảm kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; vệ sinh tiêu độc phương tiện vận chuyển; xử lý các vi phạm. Đối với các cơ sở giết mổ, lực lượng thú y phải kiểm soát nguồn gốc, kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ đối với toàn bộ động vật đưa vào giết mổ hằng ngày. Tại các chợ, bếp ăn tập thể, nhà hàng, Chi cục Thú y sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm soát nguồn gốc sản phẩm nhập về, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa đối với sản phẩm; trang bị thêm các thiết bị kiểm tra lý hóa cho trạm thú y các quận, huyện, thị xã.
Thời gian qua, Chi cục Thú y Hà Nội chủ động đề xuất tổ chức hoặc phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, tăng tần suất kiểm tra, hướng dẫn từ các trang trại chăn nuôi đến các cơ sở giết mổ, kho bảo quản, cơ sở sơ chế, chế biến, nhà hàng, bếp ăn, các chợ, các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, nhằm bảo đảm các công đoạn từ chăn nuôi, giết mổ đến buôn bán, bảo quản, sơ chế, chế biến có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Chi cục Thú y Hà Nội cũng tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo Ban 127 của thành phố tăng cường kiểm tra, đặc biệt tổ kiểm tra lưu động việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy kinh doanh hoặc nhập lậu vào địa bàn Hà Nội, từng bước hạn chế các sản phẩm không an toàn vào thị trường tiêu thụ.