Ngành y tế: Công khai tồn tại, yếu kém

Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 11/12/2013

(HNM) - Ngày 10-12, Bộ Y tế tổ chức hai cuộc họp quan trọng liên quan đến việc triển khai hoạt động của đường dây nóng (ĐDN) và tăng cường chất lượng tuyến y tế cơ sở. Sau những lùm xùm liên quan đến hàng loạt vụ tai biến y khoa, sự xuống cấp về y đức thời gian qua,


Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế.
Ảnh: Thái Hiền



Giải quyết bức xúc ngay tại cơ sở

Theo Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường, sau một tháng triển khai ĐDN qua số điện thoại 0973.306.306 (từ ngày 8-11 đến ngày 7-12) đã có 1.469 cuộc gọi đến (trung bình có 50-60 cuộc gọi mỗi ngày), trong đó khoảng 30% là phản ánh các vấn đề liên quan đến hoạt động KCB, như: Phản ánh chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của nhân viên y tế, sự phiền hà khi khám BHYT, những việc làm sai của cơ sở y tế… Còn lại khoảng 70% cuộc gọi hỏi về tư vấn sức khỏe, kiểm tra xem ĐDN có thực sự hoạt động...

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của ĐDN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, ĐDN là một trong những biện pháp quan trọng quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ KCB của ngành y tế, đồng thời là một kênh để Bộ Y tế đánh giá nhanh, chính xác, kịp thời chất lượng KCB của các cơ sở y tế và giải quyết bức xúc của người dân. Điển hình như ĐDN đã tiếp nhận cuộc gọi của người bệnh phản ánh về nạn "cò mồi" tại Bệnh viện (BV) K (cơ sở I tại phố Quán Sứ, Hà Nội). Hay như vụ BV Đa khoa Vân Đình chẩn đoán ban đầu sai và không chuyển viện cho một bệnh nhi mắc bệnh tim, khiến bệnh thêm nặng, người nhà phải tự thuê xe đưa bệnh nhi này lên tuyến trên. Khi thông tin đến ĐDN của Bộ Y tế, cháu bé đã được mổ tại Bệnh viện Tim Hà Nội nhưng tình trạng bệnh vẫn rất nặng. Hay trường hợp cháu Nguyễn Tuấn Phát (5 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đến Trạm Y tế xã Lộc An (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bị từ chối tiêm vắc xin do không có hộ khẩu. Sau khi nhận được phản ánh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Long An can thiệp và cháu Phát đã được tiêm vắc xin kịp thời.

Bộ Y tế đã ban hành 21 văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý những thông tin từ ĐDN và nhận được 3 báo cáo giải quyết của BV. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc Bộ Y tế siết chặt hoạt động ĐDN đang làm tăng áp lực lên chính nhân viên y tế. Theo Chánh Văn phòng Bộ Y tế, không ai muốn làm tăng áp lực cho bác sĩ nhưng trước những bức xúc của dư luận đối với ngành y trong thời gian qua, đây là biện pháp bắt buộc phải thực hiện. Trước mắt, ĐDN là một công cụ tốt giúp cho việc quản lý, giám sát trong ngành y. "Đợt này, chúng tôi củng cố lại ĐDN thống nhất từ trung ương đến địa phương để việc giám sát được thông suốt, đồng thời, bản thân mỗi cán bộ, nhân viên y tế khi thực hiện các dịch vụ phục vụ nhân dân cũng có ý thức hơn", Chánh Văn phòng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Không chỉ ban hành chỉ thị nhằm tăng cường và chấn chỉnh hoạt động của ĐDN ở 3 cấp, gồm: Bệnh viện, Sở Y tế và Bộ, Bộ Y tế cũng đang xây dựng quy chế hoạt động và chế tài thưởng, phạt các trường hợp được phản ánh qua ĐDN. Nhiều BV đang khẩn trương củng cố ĐDN, tăng cường tiếp nhận thông tin 24/24h để giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở.

Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện

Tình trạng quá tải BV kéo dài cũng là một trong những căn nguyên ảnh hưởng đến chất lượng KCB, gia tăng các tai biến, nảy sinh thái độ, hành vi tiêu cực trong đội ngũ nhân viên y tế. Nâng cao chất lượng KCB của y tế tuyến cơ sở - tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ban đầu với chi phí hợp lý, hiệu quả cũng là giải pháp lâu dài giúp ngành y giải bài toán quá tải.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, khoảng 1/3 số trạm y tế xã trong toàn quốc bị xuống cấp, dột nát, cần được xây dựng mới. Còn theo điều tra của Viện Chiến lược - Chính sách (Bộ Y tế) tại 4 tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, Khánh Hòa, Gia Lai, các trạm y tế xã chỉ có 66% số danh mục trang thiết bị y tế cần thiết theo quy định. Mặt khác, cán bộ y tế tuyến cơ sở còn thiếu và hạn chế về trình độ, trong khi đó, đội ngũ thầy thuốc gia đình chưa phát triển. Vì vậy, số lượng và chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với y tế cơ sở, gây ra tình trạng vượt tuyến, quá tải ở các BV tuyến trên.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cần có chính sách ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt trong thu hút, tuyển dụng để khuyến khích đội ngũ này làm việc lâu dài ở y tế cơ sở. Mặt khác cần có đầu tư đột phá để nâng cấp cơ sở vật chất trạm y tế tuyến xã, trong đó, xây mới trạm y tế đối với các xã chưa có nhà trạm hoặc mới chỉ có nhà tạm; đồng thời sửa chữa nâng cấp các trạm y tế chưa đạt chuẩn của Bộ Y tế. Song song với việc củng cố cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế, cần có đầu tư thỏa đáng để cung cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu cho y tế cơ sở để không chỉ nâng cao chất lượng KCB mà còn góp phần cải thiện điều kiện làm việc, "giữ chân" cán bộ y tế. Phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, trên 90% số trạm y tế đủ điều kiện KCB BHYT… "Tăng cường y tế cơ sở là điều kiện thiết yếu để bảo đảm chăm sóc ban đầu, tiến đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần giải quyết triệt để tình trạng quá tải bệnh viện", ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Sáng 10-12, tại trụ sở Bộ Y tế cũng đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc triển khai ĐDN giữa Bộ Y tế và Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel. Theo đó, nội dung hợp tác giữa Bộ Y tế và Viettel sẽ thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn I: Thiết lập và vận hành ĐDN qua đầu số 0973.306.306. Ngoài ra, trong tháng 12, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp nhận và quản lý các số thuê bao di động Viettel được quy hoạch làm các số ĐDN cho các BV tuyến công lập và Sở Y tế trực thuộc (do Bộ Y tế chủ động phân bổ). Giai đoạn II: Triển khai dự án quản lý cuộc gọi tới số hotline thuộc các BV, Sở Y tế và hệ thống phần mềm hỗ trợ ghi nhận, xử lý phản ánh (thực hiện từ quý I-2014).

Thu Trang