Hà Nội: Chưa phát hiện sản phẩm rượu "29 Hà Nội"

Xã hội - Ngày đăng : 16:16, 10/12/2013

(HNMO)- Chiều 10-12, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết theo kết quả báo cáo từ 29 đội QLTT, trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện sản phẩm rượu nào của Cty CP XNK 29 Hà Nội (Cty 29)

Thông tin trên được đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Cụ thể, Đội QLTT số 2 phối hợp với Phòng CSMT kiểm tra cửa hàng kinh doanh số 38 Nguyễn Siêu, thuộc Cty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Đăng Quang vào ngày 9-12, cửa hàng này không kinh doanh sản phẩm của Cty 29; Đội QLTT 14, Phòng CSMT và thanh tra Sở Y tế phối hợp kiểm tra tại cơ sở kinh doanh 105 Lò Đúc cũng không có các sản phẩm của Cty 29.

Bà Nguyễn Thị Như Mai cung cấp các th ông tin liên quan đến vụ việc


“Mặc dù vậy chúng tôi vẫn không chủ quan mà tiếp tục phối hợp cùng lực lượng QLTT tiếp tục mở rộng kiểm tra” - ông Đoàn Hữu Châu, Trưởng phòng CSMT CATP Hà Nội cho biết.

Kiểm tra 5 lần, 4 lần phát hiện sai phạm

Bà Mai cho biết, từ năm 2009 đến nay, ngành công thương phối hợp với cơ quan CA đã kiểm tra tại Cty này 5 lần, và có tới 4 lần phát hiện sai phạm.

Cụ thể, ngày 5-12-2009, Đội QLTT số 17 qua kiểm tra phát hiện Cty 29 sản xuất rượu nhưng không có giấy phép; không thông báo địa điểm kinh doanh theo quy định; sử dụng nhân viên trực tiếp sản xuất không có giấy chứng nhận tập huấn ATTP. Đội QLTT số 17 đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất Chi cục QLTT HN xử phạt 11,2 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 29-12-2011, Đội QLTT số 14 phối hợp với Đội 2-phòng 6-C49 Bộ CA kiểm tra Cty 29 tại địa chỉ 40 Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên. Qua kiểm tra đã tạm giữ 268 chai rượu vang đỏ loại 10% vol có dấu hiệu là hàng hóa kém chất lượng so với bản công bố chất lượng hang hóa của Cty. Kết quả giám định chất lượng sau đó cũng khẳng định sản phẩm có Coliform không đảm bảo chỉ tiêu như công bố (công bố là 0 nhưng kiểm nghiệm là 70 MPN/1gr, 1ml). Đội QLTT số 14 đã lập biên bản vi phạm hành chính số 0068807/BB VPHC ngày 9-1-2012 xử phạt Cty này 4 triệu đồng và yêu cầu tái chế toàn bộ số rượu vi phạm.

Trong lần kiểm tra thứ 5 vào ngày 16-10-2013 tại trụ sở chính của công ty tại 83/310 Nguyễn Văn Cừ và địa chỉ sản xuất nước giải khát tại 214 Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Theo báo cáo của DN tại thời điểm kiểm tra, DN không sản xuất rượu, do vậy, đoàn không tiến hành kiểm tra tại địa điểm 40 Vũ Xuân Thiều, Long Biên, Hà Nội.

Cơ quan chức năng để "lọt lưới" lần kiểm tra cuối cùng trước khi xảy ra vụ ngộ độc gây chết người bởi... DN khai báo không trung thực


Ông Đoàn Hữu Châu cung cấp thêm thông tin, tính đến thời điểm này, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ được trên thị trường 6.300 chai rượu nếp loại 2l của Cty 29, trong đó có hơn 4000 chai thuộc lô sản xuất ngày 12-10-2013. Đây là lô sản xuất theo đơn đặt hàng của Cty Kỹ nghệ Thái Lan ở Quảng Ninh nên sau khi sản xuất, Cty 29 đã chuyển hết về địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương để tiêu thụ.

Trả lời câu hỏi của báo giới vì sao sau hàng loạt những sai phạm được phát hiện tại Cty 29 từ năm 2009 đến nay, lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính mà không có những hình thức xử phạt nghiêm minh hơn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vừa xảy ra, bà Mai lý giải do các vi phạm của Cty 29 trước đây đều ở mức độ chưa thể đình chỉ sản xuất.

Tiếp tục mở rộng điều tra, rà soát các sản phẩm rượu của Cty 29 để thu hồi trên thị trường


Hàm lượng Methanol vượt quá 2.950 lần tiêu chuẩn cho phép

Bà Mai Thị Hồng Hạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, đoàn thanh tra đã lấy tổng cộng 60 mẫu (gồm cồn nguyên liệu, thành phẩm, bán thành phẩm) gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế). Kết quả kiểm nghiệm đối với 8 mẫu sản phẩm do Chi cục ATVSTP Hà Nội gửi ngày 6-12 cho thấy có 6 mẫu vượt chỉ tiêu về hàm lượng Methanol nhiều lần, có mẫu vượt tới 2.950 lần. Con số vi phạm này được bà Mai nhận định là “chưa bao giờ xảy ra trong quản lý thị trường”. Hiện để phục vụ công tác điều tra, tên tuổi cơ sở cung cấp cồn cho Cty 29 sản xuất rượu chưa được công bố. 

Trả lời về trách nhiệm của ngành công thương khi để “lọt” những sản phẩm rượu gây ngộ độc chết người được sản xuất trên địa bàn TP Hà Nội, bà Mai chia sẻ: “Là cơ quan tham mưu cho UBND TP, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành công thương và các ngành liên quan theo phân cấp... Tuy nhiên, theo quy định thì đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn cơ quan chức năng chỉ quản lý về hành chính”.

Liên quan đến việc điều tra của công an, ông Đoàn Hữu Châu, Trưởng phòng CSMT CATP Hà Nội khẳng định: “Cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án để phục vụ quá trình điều tra chứ chưa khởi tố bất cứ cá nhân nào. Kết luận nguyên nhân cái chết của 6 nạn nhân xấu số còn phải chờ quá trình điều tra của CA tỉnh Quảng Ninh”.

Ngân Hạ