Đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức: Dựa theo chuẩn nào?
Xã hội - Ngày đăng : 06:01, 10/12/2013
30% hay 1% - Chưa có số liệu chính xác
Việc dư luận cho rằng có 30% số CBCC không hoàn thành nhiệm vụ và con số Bộ Nội vụ đưa ra là 1% số CBCC không hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục là vấn đề được dư luận quan tâm. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, trong mỗi cơ quan, tổ chức đều có những người làm việc tốt và người làm việc chưa tốt. Ở các cơ quan khác nhau thì mức độ cũng khác nhau. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về CBCC, khi có dư luận về vấn đề có tới 30% CBCC không làm được việc, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 1938/BNV-CCVC yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC năm 2012. Đến nay, tỷ lệ 1% số CBCC không hoàn thành nhiệm vụ mới chỉ là số liệu ban đầu theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương. Hiện Bộ Nội vụ vẫn đang tiếp tục tổng hợp số liệu báo cáo.
Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự nghiệp phát triển đất nước. Ảnh: Huy Hùng |
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng công tác đánh giá chất lượng CBCCVC hiện còn bất cập, chưa rõ tiêu chí, quy trình thực hiện nên rất khó xác định chính xác CBCCVC hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, Luật CBCC và Luật VC đã quy định thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng CCVC. Tuy nhiên, thực tế nhiều đơn vị vẫn tiến hành đánh giá bằng phiếu dựa trên nhận xét của tập thể. Việc này tưởng là khách quan, công bằng nhưng thực ra lại rất chủ quan, không gắn với trách nhiệm. Vì vậy, vừa qua Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể là đánh giá, phân loại theo nguyên lý cấp trên đánh giá cấp dưới; người giao nhiệm vụ đánh giá người thực hiện nhiệm vụ, bởi đó là cách đánh giá chính xác nhất. Những người khác chỉ là tham gia đóng góp ý kiến cho việc đánh giá.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo sẽ làm thận trọng
Về việc đổi mới trong quản lý công vụ, CBCCVC, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các nội dung như xác định vị trí việc làm, tổ chức thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh; tổ chức thí điểm thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp phòng, cấp sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển CC, bước đầu đã đạt được những kết quả, được dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá cao. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Kỳ thi tuyển CC của Bộ Nội vụ vừa qua có 600 người dự tuyển nhưng chỉ có 28 người trúng tuyển đã cho thấy kỳ thi bảo đảm công bằng, khách quan. Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện đã có nhiều bộ, ngành, địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Khánh Hòa đã tổ chức thi CC trực tuyến trên máy tính. Trả lời câu hỏi vì sao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển tốt như vậy mà TP Hồ Chí Minh đã định triển khai năm 2013 rồi lại chưa thực hiện. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị chưa xong, bên cạnh đó còn một số ý kiến chưa ủng hộ nên lùi lại để thực hiện cho chu đáo. Bộ Nội vụ vẫn đang theo dõi và hỗ trợ, ủng hộ TP Hồ Chí Minh cũng như các bộ, ngành, địa phương khác. Bộ Nội vụ hoàn toàn ủng hộ cách làm mới này và Bộ đang hoàn thiện phần mềm để triển khai trên diện rộng.
Về việc thí điểm đổi mới thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng đã thực hiện thí điểm ở đâu? Kết quả ra sao? Bao giờ thì triển khai nhân rộng? Đại diện Bộ Nội vụ cho biết: Đây là nội dung đã được một số bộ, địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải…) chủ động thực hiện theo đúng tinh thần đổi mới. Quá trình triển khai đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bộ Nội vụ cũng quan tâm và cùng thực hiện tháo gỡ vướng mắc. Hiện Bộ đang chuẩn bị trình Ban cán sự đảng Chính phủ và Bộ Chính trị về đề án thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, cấp sở. Đây là biện pháp đổi mới đội ngũ cán bộ CCVC nên sẽ được làm rất thận trọng.
Một số nội dung liên quan thiết thực, được người dân Thủ đô quan tâm hiện nay là vấn đề tách huyện Từ Liêm thành hai quận mới: Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Đại diện Bộ Nội vụ khẳng định: Đây là vấn đề đã được đồng ý về mặt chủ trương. TP Hà Nội xây dựng đề án tách thành hai quận, sau đó Bộ sẽ xem xét, trình cấp thẩm quyền, về cơ bản cố gắng biên chế không tăng lên.