Tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 10/12/2013
Điều dễ nhận thấy, lần đầu tiên trong văn bản Hiến pháp viết hoa chữ "Nhân dân". Vai trò của Nhân dân không chỉ thể hiện qua cách "nhấn" đó, mà đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi; chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực Nhà nước ta là ở Nhân dân, thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Trong nội dung, bản Hiến pháp mới quy định cụ thể hơn các phương thức để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND như Hiến pháp 1992. Đồng thời Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất Nhân dân của Đảng và bổ sung một yêu cầu rất quan trọng, đó là "Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".
Bên cạnh đó, một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng của Hiến pháp sửa đổi lần này là đã nâng tầm quan điểm của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Quy định về quyền con người, quyền công dân có một số điểm mới như: Hiến pháp sửa đổi khẳng định, các quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trước đây, chương 5 Hiến pháp năm 1992 quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp sửa đổi đã mở rộng tên chương là "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" và đặt tại chương 2, ngay sau chương 1 quy định về chế độ chính trị, để khẳng định vị trí quan trọng của quyền con người, quyền công dân và cam kết của Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đúng như Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Chương 2 của Hiến pháp sửa đổi có 35 điều quy định quyền con người, quyền công dân, được thể hiện một cách đầy đủ, chính xác, có tính khả thi cao. Các quy định này theo hướng mở rộng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Trong Hiến pháp sửa đổi, một số điều khác cũng có các nội dung ghi nhận, bảo đảm về quyền con người, quyền công dân như trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục. Chúng ta chấp nhận khái niệm quyền con người, chấp nhận quyền thể hiện quyền con người trong Hiến pháp bằng những quy định cụ thể. Đây là một bước tiến đặc biệt quan trọng.
Phân tích một vấn đề để thấy, Hiến pháp sửa đổi đã triệt để thể hiện tinh thần đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Cùng với việc xây dựng và thông qua Hiến pháp, việc tổ chức thi hành Hiến pháp để cụ thể hóa các nội dung mang tính nguyên tắc, định hướng của Hiến pháp; tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp sâu rộng, để mỗi người dân nắm vững, nâng cao nhận thức và tự giác thi hành Hiến pháp là vấn đề hết sức quan trọng nhằm phát huy vai trò và giá trị của Hiến pháp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là công việc, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội và Nhân dân. Hiến pháp được ban hành và đi vào đời sống sẽ tạo ra sức mạnh, động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.