Bài 2: Cứu rừng bằng cách nào?
Xã hội - Ngày đăng : 02:12, 09/12/2013
Phải rõ trách nhiệm…
Theo luật định, trách nhiệm bảo vệ, quản lý rừng đã được giao cho nhiều ngành, nhiều cấp chính quyền. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, rừng bị tàn phá lại chưa thấy "bóng dáng ai" nhận trách nhiệm theo cách công khai. Ông Lê Quang Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đưa ra một thực tế ở những khu rừng sản xuất, người dân được giao quyền trồng rừng, tự quản lý và khai thác nên rất dễ xảy ra cháy rừng, lực lượng kiểm lâm khó kiểm soát được. Cạnh đó, một số địa phương, chính quyền cấp xã nhận thức chưa đầy đủ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, coi đó là nhiệm vụ của Hạt Kiểm lâm nên lơ là công tác tuyên truyền, để người dân tự do vào rừng chặt phá, đốt ong lấy mật. Tại hội nghị về công tác quản lý và bảo vệ rừng do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng - một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước, đã chỉ ra thực tế chưa có sự thống nhất cao giữa các bộ, ngành liên quan trong quản lý, bảo vệ rừng. "Nếu không có những cách làm mới thì diện tích rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá là khó tránh khỏi" - ông Dũng cảnh báo.
Một bước đi quyết liệt khác là tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua Nghị quyết về Tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Nghị quyết nêu ra thực trạng: "Rừng, đất rừng được chuyển đổi mục đích phục vụ công trình thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ, có nơi còn hiện tượng lợi dụng khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Diện tích rừng trồng thay thế tại các công trình thủy điện rất thấp...". Trên cơ sở này, Quốc hội đã quyết định đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án khác.
… và dựa vào cộng đồng
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vấn đề đổi mới công tác bảo vệ, quản lý rừng của các nông lâm trường đã nhiều lần thảo luận nhưng kết quả chưa đáng kể, hoạt động vẫn kém hiệu quả. Theo ông Võ, một trong những giải pháp ưu tiên để góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng là thu hồi một phần diện tích rừng tự nhiên từ lâm trường để giao lại cho cộng đồng, nhóm hộ trong từng trường hợp cụ thể. Trong quá trình giao đất cần kết hợp mô hình hợp tác xã để bảo vệ nguồn đất không bị thất thoát. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) thì bảo vệ và quản lý rừng ở nước ta vẫn chưa tìm thấy mô hình tối ưu. Các lâm trường, các ban quản lý rừng không đủ nhân lực để quản lý bảo vệ rừng. Sau nhiều năm chuyển hầu hết đất lâm nghiệp cho các lâm trường quản lý, những năm gần đây Việt Nam đang quay trở lại phương thức đồng quản lý rừng giữa Nhà nước và các cộng đồng thôn bản. Nói về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, phương thức giao rừng cho cộng đồng rất hiệu quả trên thế giới, chính vì vậy các tổ chức quốc tế mới khuyến cáo, tư vấn cho Việt Nam triển khai mô hình này. Theo kết quả điều tra của Ipsard, cả nước hiện có hơn 10 nghìn cộng đồng dân cư thôn tham gia quản lý, bảo vệ khoảng 2,7 triệu héc ta rừng, chủ yếu là cộng đồng các dân tộc ít người.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, từ năm 2000 đến nay, lĩnh vực lâm nghiệp có sự tham gia của 5 thành phần kinh tế, hình thành và phát triển nhiều loại hình tổ chức quản lý rừng khác nhau. Chính sách có tác động mạnh nhất đến việc hình thành các loại hình tổ chức này là chính sách giao đất, giao rừng. "Để quản lý rừng tốt, nâng cao chất lượng rừng cần đổi mới cơ chế và tổ chức quản lý rừng theo hướng nâng cao quyền tự chủ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng ngành lâm nghiệp Việt Nam cần kiện toàn chính sách, hệ thống những quy định đối với đất lâm nghiệp cộng đồng. Đồng thời, cần thành lập một cơ quan chính thức quản lý toàn bộ hoạt động lâm nghiệp cộng đồng. Ngoài ra, hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đã thực hiện biện pháp đưa kiểm lâm viên về địa bàn xã, đồng thời tăng cường các đội kiểm soát lưu động. Hiện nay ở cấp xã đã hình thành 218 trạm kiểm lâm làm nhiệm vụ kiểm soát lâm sản của chủ rừng và 735 trạm kiểm lâm địa bàn. Ngành lâm nghiệp cũng đã bố trí được 4.289 công chức kiểm lâm địa bàn xã chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, tuy nhiên hiện vẫn còn 1.169 xã có rừng chưa có kiểm lâm trên địa bàn. Vấn đề này sẽ được ngành lâm nghiệp tập trung khắc phục trong thời gian tới để dần đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng đi vào nền nếp. Song song với các giải pháp trên, theo ông Lê Quang Tiến, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh việc cắm mốc đất lâm nghiệp, đất có rừng để lực lượng kiểm lâm đủ cơ sở pháp lý quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cơ chế cho người trồng rừng, các chủ rừng; đầu tư thêm trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng...