Mục tiêu hàng đầu là chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 08/12/2013
Gần ba năm đi vào cuộc sống, với những giải pháp đồng bộ cùng lộ trình thực hiện cụ thể, Chương trình số 01-CTr/TU đã tạo được bước chuyển căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Trước thềm hội nghị sơ kết Chương trình quan trọng này, Ủy viên Thường vụ - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về kết quả thực hiện nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Yếu tố quyết định là chất lượng đội ngũ cán bộ
- Thưa đồng chí! Mấu chốt của mọi vấn đề, sự chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội, đó là sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, hoạt động của bộ máy chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nói như vậy để thấy, ý nghĩa và nội dung của Chương trình 01-CTr/TU là vô cùng quan trọng.
- Những nội dung chính của Chương trình 01-CTr/TU là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015. Như vậy, chương trình tập trung vào nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng đặt trong yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng và củng cố toàn diện hệ thống chính trị của thành phố. Chương trình cũng xác định rõ các vấn đề cấp bách cần giải quyết, các mục tiêu cần quyết tâm thực hiện; là định hướng hành động cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô; đồng thời đề ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên…
- Sau gần ba năm thực hiện Chương trình này, đồng chí có thể cho biết những kết quả Hà Nội đã đạt được?
- Đánh giá một cách khái quát, Chương trình 01-CTr/TU đã được cụ thể hóa bằng các nội dung, chuyên đề, đề án phù hợp điều kiện từng địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Điểm dễ nhận diện nhất là vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng có những chuyển biến tích cực: Phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc được đổi mới theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả; phát huy dân chủ, kỷ luật kỷ cương của Đảng, công tác lãnh đạo chỉ đạo hướng về cơ sở, sát địa bàn, sát dân hơn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Bên cạnh đó, chúng ta đã phát hiện, tháo gỡ và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn và trong dư luận quần chúng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
- Với từng chỉ tiêu cụ thể của Chương trình 01-CTr/TU, những kết quả nêu trên có là khả quan, thưa đồng chí?
- Nhìn tổng thể, các mục tiêu đặt ra cơ bản thực hiện đạt tiến độ. Ví dụ như chỉ tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đã gần đạt đến đích. Khi hợp nhất, tại nhiều xã, có nơi chỉ 20% cán bộ chủ chốt trình độ đại học. Gần 3 năm qua, Thành ủy đã quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ cơ sở. Những huyện gặp khó khăn như Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên…, Ban tổ chức Thành ủy phối hợp với các trường đại học mở lớp đào tạo ngay tại địa phương, tạo điều kiện cho cán bộ chuẩn hóa. Thực tế hiện nay đòi hỏi cán bộ phải có trình độ thì mới có thể chỉ đạo, tuyên truyền, vì vậy việc đặt ra mục tiêu chuẩn hóa cán bộ cơ sở vào năm 2015 là cần thiết, dù khó cũng phải quyết tâm thực hiện bằng được.
Mục tiêu trước mắt và lâu dài
- Ngay sau khi lớp cán bộ nguồn đầu tiên (ngành kiểm tra đảng) khai giảng vào cuối năm 2011, đông đảo cán bộ, đảng viên rất quan tâm đến hình thức tổ chức, điểm ưu việt của các lớp cán bộ nguồn này so với các lớp đào tạo, bồi dưỡng khác. Vậy, xin đồng chí cho biết rõ hơn sự khác biệt cũng như mục đích Thành ủy tổ chức các lớp đào tạo cán bộ này?
- Đào tạo 1.000 cán bộ nguồn của thành phố giai đoạn 2011-2015 là một trong các chỉ tiêu của Chương trình 01-CTr/TU, đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng bộ TP Hà Nội trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Đến nay, Thành ủy đã tổ chức 8 lớp cán bộ nguồn (5 lớp dành cho cán bộ các ban đảng và 3 lớp cán bộ nguồn cơ sở), khoảng 800 học viên. Những lớp này “đầu vào” đều là sinh viên đã tốt nghiệp loại khá, giỏi của các trường đại học chính quy nên yêu cầu đào tạo đặt ra rất cao, từ kiến thức tới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương cũng như kỹ năng giải quyết từng tình huống cụ thể. Mục đích là sau khi tốt nghiệp, các học viên có thể nhanh chóng nhập cuộc. Vừa rồi, 2 lớp cán bộ nguồn kiểm tra đảng và cán bộ nguồn tuyên giáo đã tốt nghiệp, gần 200 học viên được phân công công tác về cơ sở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Qua nắm tình hình từ phía địa phương và số học viên mới nhận nhiệm vụ đều đánh giá cao tính hiệu quả của các lớp cán bộ nguồn…
- Trong công tác đào tạo, hiện có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chậm đổi mới, còn quá nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn. Do đó học viên khi tốt nghiệp thường không đảm trách được công việc, dẫn đến phải đào tạo lại. Với những lớp cán bộ nguồn do Thành ủy tổ chức, những vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào?
- Các lớp cán bộ nguồn của thành phố đều đặc biệt chú trọng đến đào tạo kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài truyền đạt lý thuyết, Ban tổ chức lớp học mời các đồng chí bí thư Quận ủy giàu kinh nghiệm trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và “cầm tay chỉ việc” cho các học viên về cách thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương và cơ sở cũng như kỹ năng giải quyết từng tình huống cụ thể để cán bộ nguồn sau khi đảm nhận công việc được phân công có thể nhanh chóng “vào vai”. Ví dụ như quy trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở cơ sở bao gồm 9 bước, cách thức triển khai từng bước một như thế nào, các học viên đều được phổ biến, hay cách xử lý một trường hợp đảng viên vi phạm, việc kết nạp đảng viên ra sao… Những tình huống này không được nêu trong lý thuyết, sách vở mà chỉ bằng kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của người cán bộ mới có được. Vì thế, yêu cầu cao với học viên các lớp nguồn đó là kỹ năng thực hành.
- Thưa đồng chí, những lớp đào tạo cán bộ nguồn chắc chắn không chỉ phục vụ cho việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ của thành phố mà còn hướng tới những mục tiêu lâu dài?
- Đúng là như vậy. Ban tổ chức được Thường trực Thành ủy giao nhiệm vụ phối hợp cùng các quận, huyện lập sổ bộ theo dõi và hằng năm tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để 5-10 năm sau và xa hơn nữa sẽ có một lứa cán bộ đủ tầm gánh vác công việc, hy vọng đây sẽ là những cán bộ chủ chốt ở các cấp của Hà Nội trong tương lai. Cách làm đó được Trung ương đánh giá cao, thực sự bài bản, có chiều sâu.
Kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở
- Để thực hiện Chương trình 01-CTr/TU có hiệu quả, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là rất quan trọng, tuy nhiên cùng với đó còn phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành của cả hệ thống chính trị, thưa đồng chí?
- Là “xương sống” trong 9 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy xuyên suốt cả nhiệm kỳ XV nên Chương trình 01-CTr/TU có rất nhiều nội dung quan trọng. Khi mới thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, việc vận hành bộ máy lãnh đạo từ chỗ được xem là một thách thức lớn của Hà Nội nhưng sau đó đã trở thành điểm tựa quan trọng để Thủ đô đi lên. Có được kết quả này là do chúng ta đã triển khai có hiệu quả Chương trình 01-CTr/TU. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, mô hình tổ chức, hoạt động của chi bộ ở một số địa bàn dân cư có nhiều bất cập. Do đó, cần kiện toàn, sắp xếp đồng bộ về mô hình tổ chức Đảng, tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền và hoạt động của các đoàn thể chính trị. Điều đó là rất quan trọng bởi địa bàn dân cư được ví như “cái phễu”, triển khai mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sức lan tỏa, độ “ngấm” của các chủ trương, chính sách vào cuộc sống như thế nào phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Và Thành ủy đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU nhằm giải quyết những bất cập nêu trên, bảo đảm tính ổn định - đồng bộ - thống nhất trong toàn thành phố.
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã đạt kết quả tích cực. Từ khi ban hành Nghị quyết đến hết tháng 9-2013, toàn thành phố đã thành lập mới 279 tổ chức Đảng, 640 tổ chức công đoàn, kết nạp 576 đảng viên, trong đó có 3 chủ doanh nghiệp tư nhân. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã góp phần quan trọng xây dựng và ổn định tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống người lao động.
- Thưa đồng chí, với nội dung “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị?
- Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đảng bộ Hà Nội phải đi đầu, làm gương trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)” - hơn một năm qua, Ban tổ chức Thành ủy đã tham mưu triển khai nhiều biện pháp nhằm nhanh chóng hiện thực hóa Nghị quyết trong cuộc sống như, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt thành phố, Hà Nội là Đảng bộ đi đầu trong cả nước về tổ chức thực hiện công việc này. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành kiểm tra kết quả khắc phục hạn chế, sửa chữa thiếu sót chỉ rõ trong kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tại các Đảng bộ trực thuộc. Sát sao trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra nên tinh thần “tự soi, tự sửa” được các cấp ủy thể hiện rõ. Điều dễ nhận thấy là hiệu quả công việc được nâng cao, bớt đi những tiếng kêu ca, phàn nàn.
Không thể ngồi một chỗ chờ sự sắp đặt
- Với vai trò, vị trí đặc biệt của Thủ đô, thành phố luôn xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến. Và khâu đột phá trong nhiệm kỳ này được ghi dấu ấn bắt đầu từ công tác quy hoạch cán bộ?
- Hà Nội luôn coi công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là khâu quan trọng, bảo đảm sự chủ động, khoa học trong công tác cán bộ. Đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã báo cáo cấp trên, phê duyệt quy hoạch tất cả các chức danh lãnh đạo, quản lý của thành phố, bổ sung cho nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020, bảo đảm số lượng, cơ cấu, đồng thời Ban Thường vụ Thành ủy đã phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt diện Ban Thường vụ quản lý. Đặc biệt, đơn vị nào không bảo đảm hệ số theo quy định hoặc tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ bắt buộc phải làm lại. Sau quy hoạch, chúng tôi đã tham mưu với Thành ủy xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; đồng thời thực hiện luân chuyển cán bộ các cấp để nâng cao kỹ năng hoạt động thực tiễn.
- Với những biện pháp đã triển khai, hiện nay chất lượng cụ thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Hà Nội như thế nào, thưa đồng chí?
- Hà Nội hiện có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đông đảo và chất lượng khá toàn diện. Trong tổng số gần 1.000 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, 100% có trình độ chuyên môn đại học và cao cấp, cử nhân lý luận chính trị (có 28,6% cán bộ có trình độ sau đại học). Cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 94,5%; có trình độ đại học trở lên đạt 93,04%, riêng khối phường đạt 100%. Chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng lên rõ rệt.
- Công tác quy hoạch cán bộ là rất cần thiết, tuy nhiên nếu không cẩn trọng dễ tạo ra sức ì, được đưa vào diện quy hoạch rồi là cán bộ “yên vị” chờ bố trí, sắp xếp “chỗ ngồi”, hoặc như cứ là cán bộ trẻ, cán bộ nữ thì xuất hiện tâm lý “yên tâm” được ưu tiên đưa vào diện cơ cấu... Đây cũng là vấn đề đã được đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý nhiều lần trong công tác cán bộ của thành phố. Vậy chúng ta có biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
- Thành ủy chỉ đạo và yêu cầu các cấp ủy trực thuộc, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nắm vững 10 yêu cầu trong công tác quy hoạch cán bộ; coi trọng đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch; bảo đảm sự liên thông giữa các loại quy hoạch trong hệ thống chính trị thành phố; tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất theo 4 bước. Đặc biệt, công tác quy hoạch cán bộ của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới về nội dung, quy trình, cách làm; coi trọng việc đánh giá, xây dựng các tiêu chuẩn chức danh làm căn cứ để thực hiện với phương châm “động” và “mở”, lấy quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp trên, thực hiện quy trình chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, hằng năm tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung... Tất cả những điều đó giúp cho đội ngũ cán bộ có quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục chứ không thể ngồi một chỗ chờ sắp đặt vị trí, chức danh.
- Xin cảm ơn đồng chí về những vấn đề đã trao đổi đối với một công việc đặc biệt quan trọng của thành phố trong hiện tại và tương lai.