Chủ động cải cách kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 07/12/2013
Tuy nhiên, nếu loại trừ các yếu tố khách quan, bất ngờ thì cơ quan chức năng phải xác định rõ trách nhiệm hỗ trợ DN thông qua các biện pháp phù hợp, kịp thời. Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh vẫn là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam…
Các DN cần được hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình thực hiện những thủ tục hành chính liên quan đến gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, đầu tư xây dựng, đất đai... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Minh Nguyễn |
Cải cách DNNN, tạo điều kiện cho DN tư nhân
Đến nay, khu vực DNNN vẫn được đánh giá là kém hiệu quả nhất, cũng chưa tương xứng với những ưu đãi, nguồn lực đang có, cũng như chưa làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Mới đây, đại diện các tổ chức, đối tác quốc tế đã đưa ra một số ý kiến tư vấn, nhất là tỏ ra lo ngại về hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DNNN, với tỷ lệ lãi tính trên mỗi đồng vốn thấp hơn hẳn so với DN tư nhân. DNNN được miêu tả là "dường như chưa theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế" và đặt ra yêu cầu vào cuộc của cơ quan quản lý nhằm tăng tốc cải cách DNNN với tinh thần quyết liệt.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tiếp tục ưu tiên, ưu đãi cho DNNN sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của chính khu vực này và gây ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. Để đảo ngược tình hình, các chuyên gia khuyến nghị một số biện pháp, gồm áp dụng triệt để các nguyên tắc, kỷ luật thị trường trong hoạt động của DNNN, như hạch toán đầy đủ các chi phí vốn, buộc người quản lý phải chịu đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động điều hành của mình; tách bạch các hoạt động kinh doanh và hoạt động chính trị - xã hội. Tiếp theo, cần xác lập cơ chế, quy định bảo đảm không phân biệt đối xử, tạo điều kiện cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa DN thuộc thành phần khác nhau. Tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện quyền sở hữu nhà nước. Đặc biệt, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của DNNN ra khỏi lĩnh vực ngoài ngành để chuyển một phần nguồn lực sang các công việc khác cấp bách và cần thiết hơn. Ngoài ra, yêu cầu thực tế trong hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi mỗi đơn vị áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại, tăng tính minh bạch để tự mình tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, DN tư nhân và DN đầu tư nước ngoài đang mong đợi Chính phủ, các ngành và địa phương hoàn thiện cơ sở pháp lý, thống nhất về quy định để cho áp dụng đại trà những dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) như chủ trương đã thống nhất. Đây là kỳ vọng có tính chất đột phá, mở ra một cách làm mới để huy động vốn ngoài nhà nước, chia sẻ gánh nặng cho ngân sách đồng thời tạo cơ hội tham gia đầu tư cho khu vực tư nhân. Nếu thực hiện chủ trương này nhanh chóng và triệt để sẽ tạo ra sức bật mới, là điều kiện để giải phóng nguồn lực xã hội, từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục của nền kinh tế thông qua sự đóng góp của khu vực DN tư nhân.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Theo đánh giá của VCCI, năm 2013 là một năm khó khăn đối với các DN, nhất là DN tư nhân. Trong đó, một số đơn vị chưa tiếp cận được với chính sách miễn, giảm thuế, trợ giúp về vốn trong khi nhiều chính sách vĩ mô ban hành chưa đồng bộ… Vì vậy, cộng đồng DN đang trông đợi những cải cách mang tính thực tiễn hơn, trong đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là những giải pháp cần thiết hàng đầu. Đặc biệt, DN cần được hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình thực hiện những thủ tục hành chính liên quan đến gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động…
Thực tế cho thấy, việc chính quyền các địa phương đang nỗ lực nghiên cứu, tìm giải pháp đồng bộ để gia tăng thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một minh chứng cho ý chí vươn lên, hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả toàn quốc. Tại diễn đàn DN Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Chính phủ cùng cơ quan chức năng luôn chủ động trao đổi, đối thoại với cộng đồng DN. Những ý kiến đóng góp hoặc phản hồi từ các đối tác quốc tế, DN sẽ được ghi nhận, tham khảo để Chính phủ có biện pháp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của DN. Nhiều DN cũng ghi nhận một số kết quả tích cực trong công tác điều hành phát triển kinh tế thời gian qua, như hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa liên tục; Chính phủ kiên trì điều chỉnh giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường để bảo đảm khả năng duy trì hiệu quả kinh doanh cho DN; việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương để mở ra thời cơ tăng quy mô xuất khẩu. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, với lần đầu tiên hiến định vai trò của DN… là những yếu tố quan trọng, có tác dụng khích lệ tinh thần của cộng đồng DN.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, xuất phát từ tình hình và yêu cầu phát triển bền vững, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách kinh tế, tập trung vào việc tăng tốc độ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước kết hợp với hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cải thiện sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh.