Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ: Mảnh đất màu mỡ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 07/12/2013

(HNM) - Không còn quá chú trọng tới những khách hàng lớn trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tín dụng giảm mạnh, các ngân hàng đã tìm hướng mở rộng thị trường bán lẻ. Từ những người lao động bình thường đến các hộ gia đình kinh doanh nhỏ đều là đối tượng được ngân hàng để mắt tới.

Vài năm trở lại đây, sự u ám của nền kinh tế khiến các doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh lao đao, nhu cầu vay vốn khá hạn chế. Trong khi đó, nguồn tiền gửi vào vẫn dồi dào, đặc biệt là dịp cuối năm, nhưng nguồn vốn vay lại hạn chế, đẩy nhiều ngân hàng vào cảnh "đọng" vốn. Để vượt qua khó khăn, không còn cách nào khác là các ngân hàng phải mở rộng thị trường bán lẻ, chú trọng vào những sản phẩm như: Phát hành thêm các loại thẻ, cho vay tiêu dùng, cho vay qua thẻ...

Không chỉ có các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) quy mô nhỏ, các ngân hàng lớn cũng đua nhau đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ cho thị trường bán lẻ. Cùng với việc đưa ra các sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ thẻ cũng được các ngân hàng chú trọng. Toàn hệ thống ngân hàng đến nay đã phát triển 55 triệu thẻ, với mạng lưới thanh toán hơn 16.000 ATM và hàng trăm nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Dịch vụ liên quan đến thẻ như mobile banking và internet banking cũng khá phát triển.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ra mắt sản phẩm dịch vụ thẻ công nghệ mới. Đó là dịch vụ rút tiền tại ATM không cần thẻ, cho phép chủ thẻ có thể ủy quyền cho bạn bè, người thân rút tiền tại máy ATM thông qua mã rút tiền do chủ thẻ khởi tạo và ngân hàng cấp để giao dịch. Dịch vụ thanh toán thẻ trực tuyến tạo thuận lợi cho cả đơn vị kinh doanh và chủ thẻ, do có thể được sử dụng để mua sắm hàng hóa tại các website trên toàn thế giới mà không cần tài khoản ngân hàng. VietinBank đưa ra dịch vụ thanh toán thẻ MPOS, dịch vụ gửi tiền tại ATM… Các ngân hàng khác như Vietcombank, Agribank, LienVietPostBank, Techcombank... cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho người sử dụng thẻ. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã có 33 triệu người Việt Nam sử dụng thương mại điện tử, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm, còn khoảng 12%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận việc phát triển thị trường bán lẻ cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Hơn nữa, số lượng nhân viên cần cho phát triển dịch vụ này tăng nên ngân hàng sẽ phải chi một khoản phí lớn cho đào tạo nhân lực. Đối với cho vay tiêu dùng, sản phẩm phục vụ khách hàng cá nhân chủ yếu là vay tín chấp nên dễ xảy ra rủi ro. Đối với việc mở thẻ tín dụng, để tăng nhanh số lượng thẻ, nhiều ngân hàng bỏ qua những điều kiện khắt khe đối với khách hàng, mà chỉ có những điều kiện khá đơn giản, nên nhiều chủ thẻ sau khi tiêu dùng tiền trong thẻ đã "bỏ của chạy lấy người", vì hầu hết ngân hàng đều có dịch vụ "tiêu trước, trả sau". Đó là chưa kể đến phát triển dịch vụ bán lẻ đòi hỏi đầu tư công nghệ khá tốn kém, nhưng nhiều ngân hàng còn hạn chế về tài chính.

Phát triển thị trường bán lẻ đòi hỏi phải được tính toán kỹ lưỡng cả về nhân lực, công nghệ để tránh thiệt hại, rủi ro tài chính. Các chuyên gia cho rằng, không nên "chạy đua" nhau về thị phần bán lẻ, mà nên chú tâm đến việc thiết lập một hạ tầng công nghệ an toàn, cùng những biện pháp hợp lý để phát triển thị trường này một cách bền vững.

Đức Anh