Bóng chuyền nữ Việt Nam tại SEA Games 27: Mục tiêu giữ vị trí thứ nhì khu vực
Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 07/12/2013
Lâu nay, trật tự trong làng bóng chuyền Đông Nam Á vẫn vậy, vô địch phải là Thái Lan, thứ nhì - Việt Nam và thứ ba là Indonesia. Bóng chuyền nữ Việt Nam đã nhiều lần ao ước bắt kịp Thái Lan nhưng đến lúc này, khoảng cách đã ngày một nới rộng. Bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn loanh quanh với các vòng tranh hạng 5-8 tại Giải Vô địch Châu Á, trong khi đó, vào năm nay, Thái Lan đã đoạt ngôi vô địch Châu Á khi vượt qua cả Nhật Bản, Trung Quốc - những "đại gia" thực sự của làng bóng chuyền nữ thế giới. Đó là chức vô địch Châu Á thứ hai trong vòng 5 năm trở lại đây của đội nữ Thái Lan và điều này cho thấy sự ổn định ở trình độ rất cao của họ. Gần đây, đội bóng chuyền xứ Chùa Vàng thi đấu rất ấn tượng tại World Grand Champions Cup được tổ chức tại Nhật Bản (giải đấu quy tụ 6 đội bóng vào hàng mạnh nhất thế giới), không lọt vào nhóm 3 đội dẫn đầu song Thái Lan đã đánh bại đội tuyển Nga, thua sát nút đội tuyển Mỹ. Đó là một ví dụ khác cho thấy bước tiến dài của bóng chuyền nữ Thái Lan, một vị thế mà không biết bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới có thể tiệm cận chứ chưa nói là vượt qua.
Liệu đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam có tìm được niềm vui chiến thắng tại SEA Games27? Ảnh: Minh Hoàng |
Thái Lan mạnh và tỏ ra biết tôn trọng đối thủ, rõ là "biết mình biết người". Vừa từ Nhật Bản trở về, Liên đoàn Bóng chuyền Thái Lan cho biết sẽ cử đội hình mạnh nhất tới SEA Games 27, một phần vì họ xác định Đội tuyển Việt Nam rất đáng gờm. Chủ tịch Liên đoàn bóng Thái Lan cho rằng, nếu chỉ cử VĐV trẻ tham dự SEA Games 27 thì Đội tuyển Thái Lan khó đánh bại Việt Nam. Sức mạnh vốn có đã được khẳng định, lại thêm thái độ nghiêm túc, Thái Lan quả thực là một tượng đài khó vượt trong khuôn khổ SEA Games 27.
Giờ thì thầy trò HLV Phạm Văn Long tập trung vào mục tiêu giữ ngôi thứ nhì Đông Nam Á, đối thủ quan trọng nhất rõ ràng là Indonesia. Từ SEA Games 22 năm 2003 đến nay, Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam luôn hoàn thành mục tiêu HCB, nhưng đó là khoảng thời gian mà bóng chuyền nữ Indonesia chưa có bước tiến mạnh mẽ như hiện nay. Trong năm 2013, Đội tuyển Việt Nam từng thắng Indonesia 3-1. Đó là trận thắng không dễ dàng bởi Indonesia liên tục gây khó dễ cho Đội tuyển Việt Nam với sự năng nổ của cặp chủ công April Manganang và Amalia Fajrina. Trong danh sách Đội tuyển Indonesia đăng ký dự SEA Games 27 không có April Manganang, nhưng kể cả khi tay đập chủ công này vắng mặt thì đội hình của Indonesia vẫn rất đáng nể. Đó là một đội hình đồng đều và có khát vọng lật đổ vị trí thứ nhì khu vực Đông Nam Á của Đội tuyển Việt Nam. Động lực tinh thần và sự đoàn kết có thể giúp họ vượt ngưỡng, nhất là trong một môn thể thao mang tính tập thể như bóng chuyền.
Chuẩn bị cho SEA Games 27, những VĐV tốt nhất đã được gọi vào Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam như Nguyễn Ngọc Hoa, Bùi Thị Ngà, Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Phạm Kim Huệ… đủ để những người có trách nhiệm yên tâm về mặt lực lượng. Điều có thể làm người hâm mộ băn khoăn là do kinh phí của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không dư dả nên đội chỉ tập luyện trong nước.
Hiện tại, nhìn nhận khách quan thì Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam không có cơ hội vượt qua Thái Lan. Tuy vậy, dù xác định mục tiêu thứ nhì thì SEA Games 27 này vẫn là dịp để nhà quản lý và giới chuyên gia bóng chuyền Việt Nam ngắm nghía đội bạn, ít nhất cũng tạo dựng ý niệm về nguyên nhân dẫn đến thành công của bóng chuyền nữ Thái Lan, tự thấy điều mà mình còn thiếu.
Tất nhiên, nếu Việt Nam chỉ giành được HCĐ, bị cả Indonesia vượt mặt thì bài học chắc chắn phải khác rất nhiều.