“Bóng mờ” sau một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm
Đời sống - Ngày đăng : 05:59, 07/12/2013
Chiều 6-12, phóng viên Báo Hànộimới đã cùng với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) (Công an TP Hà Nội) "tận mục sở thị" cơ sở làm đẹp nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, "phép màu" của cơ sở này đã bị lật tẩy.
Niêm phong mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm tại số 177 Tô Hiệu, Cầu Giấy (Hà Nội). |
Bác sĩ hay nhà buôn?
Trong vai khách hàng, chúng tôi tìm đến cơ sở làm đẹp ở số 177 Tô Hiệu (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy - Hà Nội). Nếu không được người quen giới thiệu từ trước, thật khó biết tại đây có một cơ sở làm đẹp. Không biển hiệu quảng cáo, không dấu hiệu cho thấy bóng dáng của một cơ sở làm đẹp ở mặt tiền ngôi nhà này, nơi có tầng 1 dành cho việc kinh doanh hàng lưu niệm. Nhưng tầng 2 của tòa nhà là một thế giới khác, một cơ sở làm đẹp với ba giường chăm sóc da; ba máy làm căng da mặt, đánh mỡ bụng, làm săn chắc da nằm bên chiếc tủ có bày hàng chục loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Biết chúng tôi có nhu cầu nâng mũi, độn cằm, một người Hàn Quốc được giới thiệu là bác sĩ chuyên khoa da liễu đã tư vấn cách sử dụng phương pháp filler - nôm na là tiêm một dạng chất lỏng đậm đặc vào phần mũi, cằm cần được nâng cao. Qua lời phiên dịch, chúng tôi biết sản phẩm này có hai loại, dùng để tiêm trực tiếp vào mặt, giá mỗi loại tùy thuộc vào độ bền đẹp. Nếu muốn sản phẩm tốt, giữ được sắc đẹp trong thời gian ba năm thì tiêm loại có giá 800 USD; khách chọn dùng loại có giá 600 USD thì hiệu quả giữ đẹp giảm đi một nửa. Theo lời phiên dịch, đây là phương pháp làm đẹp mới, không cần phẫu thuật, không gây chảy máu, không đau, thời gian thực hiện thuộc hàng "siêu tốc" - chỉ mất khoảng 5 phút. Muốn làm căng da mặt, nâng mũi, cơ sở này sẽ tiêm botox cho khách hàng.
Không cần soi da hay khám sức khỏe, tư vấn cho khách hàng xong, bác sĩ người Hàn Quốc yêu cầu khách vào bàn tiêm, không quên mở điện thoại để khoe ảnh chụp ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của Việt Nam đã được chính tay mình giúp làm đẹp. Trong lúc đó, nhân viên phiên dịch giới thiệu thực phẩm chức năng có công hiệu giảm béo. Giá của thực phẩm chức năng giảm cân cần dùng mỗi ngày vào khoảng 80 USD, phải sử dụng liên tục từ 7 đến 10 ngày thì mới công hiệu. Nhìn sản phẩm, thấy trên nhãn mác chỉ toàn chữ Hàn Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt như những mặt hàng nhập khẩu chính thức.
Bác sĩ đang chuẩn bị tiêm cho khách thì Thanh tra Sở Y tế và Công an Hà Nội vào kiểm tra. Tại thời điểm đó, nhân viên tại đây xuất trình giấy chứng nhận đăng ký, mã số doanh nghiệp 0106262319, đăng ký lần đầu ngày 8-8-2013, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 23-10-2013 với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư thương mại NaNo Nature Hà Nội - trụ sở chính số 177, phố Tô Hiệu, ông Kim Il Seop (quốc tịch Hàn Quốc) là Tổng Giám đốc. Trong giấy phép ghi rõ ngành nghề kinh doanh là bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh, bán buôn thực phẩm chức năng, dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật... Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cả nhân viên và bác sĩ Hàn Quốc không xuất trình được bất cứ giấy tờ tùy thân cũng như giấy phép hành nghề nào. Ngay cả 16 loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bày tại đây cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Khi đoàn kiểm tra hỏi tên và nơi ở của bác sĩ người Hàn Quốc, một nhân viên phiên dịch ở đây cho biết, bác sĩ này tên là Kim Il Seop, ở tại tầng 19, tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng - Hà Nội), trùng khớp với tên và nơi ở của vị Tổng Giám đốc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty này. Tuy nhiên, sau khi đoàn kiểm tra có mặt tại đây khoảng 60 phút, một người đàn ông bước vào, tự xưng là Vũ Đình Quyết, Giám đốc điều hành của công ty này. Ông Quyết khẳng định, vị bác sĩ này không phải là Tổng Giám đốc. Hiện nay, Tổng Giám đốc đang đi vắng.
Liệu có sai phạm?
Khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ cho biết, hiện nay, phương pháp filler dùng để độn cằm, nâng mũi, đã được nhiều nước áp dụng, đặc biệt là Hàn Quốc. Tiêm botox cũng là phương pháp làm căng da mặt, chống nếp nhăn, nhưng không có tác dụng nâng cơ mặt, nâng mũi… Tuy nhiên, không nên lạm dụng botox quá nhiều, phải biết tiêm ở mức độ nào thì có tác dụng tốt và ngược lại, chưa kể là phương pháp này tỏ ra hiệu quả với người già hơn là với người trẻ. Thậm chí, người ta cho rằng, nếu người trẻ tuổi dùng liệu pháp botox thì khi trưởng thành sẽ nhanh lão hóa hơn những người không sử dụng. "Với botox, nếu tiêm không đúng kỹ thuật, vượt quá liều lượng và tiêm sai vị trí thì có thể dẫn tới méo miệng, méo cằm, vẹo mũi, đơ mặt". - Vị chuyên gia nói trên nhấn mạnh.
Khi làm việc với đoàn kiểm tra, nhân viên phiên dịch cho biết, cơ sở này không bán sản phẩm mà chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Còn mấy lọ thuốc giảm béo, giảm nếp nhăn đang dùng dở là sản phẩm mà người bác sĩ Hàn Quốc sử dụng, không phải để bán. Đoàn kiểm tra đã niêm phong 16 loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, chuyển về Sở Y tế Hà Nội để kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn tạm thu một sản phẩm có ghi trên nhãn mác là "Ellanse" - loại sản phẩm mà bác sĩ người Hàn Quốc sử dụng để tiêm cho khách hàng.
Đại diện công ty nói trên đã được mời đến Thanh tra Sở Y tế Hà Nội để làm rõ sự việc vào ngày 9-12 tới. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp (còn gọi là thẩm mỹ viện) chỉ làm dịch vụ như massage mặt, trang điểm, làm tóc... Những dịch vụ này chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng chỉ học nghề… đăng ký ở phòng kinh tế quận, huyện; với cơ sở lớn hơn, ở quy mô công ty thì phải đăng ký ở Sở Kế hoạch - Đầu tư, không thuộc quyền của ngành y tế. Tuy nhiên, thẩm mỹ viện không được sử dụng các thủ thuật gây xâm lấn, chảy máu như xăm môi, xăm mi, nâng mũi, nâng ngực... Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ phải có bác sĩ phẫu thuật, trang thiết bị chuyên dùng và được Sở Y tế cấp phép theo quy định hành nghề y dược tư nhân. |