Huyện Thanh Trì: Nâng cao hiệu quả vùng rau an toàn

Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 06/12/2013

(HNM) - Để nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp, đặc biệt là các vùng rau, huyện Thanh Trì đã tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vào trồng rau an toàn (RAT).

Mô hình rau an toàn ở xã Duyên Hà cho hiệu quả kinh tế cao.


Hiệu quả từ việc dán tem nhận diện

Theo Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, toàn huyện có 600ha rau, trong đó, có 126,3ha RAT, 21,5ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với giá trị đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, được sự giúp đỡ của thành phố, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trạm cấp nước, giao thông thủy lợi nội đồng, nhà sơ chế… với kinh phí trên 70 tỷ đồng. Việc tiêu thụ rau khá thuận lợi nhờ triển khai dán tem nhận diện. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đại Lan (xã Duyên Hà) Đặng Bá Thắng cho biết, hiện nay sản phẩm RAT của xã đã được dán nhãn, mã vạch trước khi đưa ra thị trường. Với diện tích được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT là 72,5ha/110,2ha, đến thời điểm này, HTX đã mở 14 cửa hàng bán rau, với khối lượng tiêu thụ trung bình 10-15 tạ/ngày lúc chính vụ. Sản lượng rau bán buôn qua thương lái chiếm khoảng 60% sản lượng RAT. Lượng rau còn lại được nông dân bán buôn tại chợ đầu mối và bán lẻ tại các chợ dân sinh, trong đó lượng rau được dán tem nhận diện khoảng 20-25% và bán với giá cao hơn 15-20% so với các loại rau không được dán tem. Tuy nhiên, việc dán nhãn tem nhận diện mới chỉ là bước đầu bởi sản lượng còn ít.

Với 70ha sản xuất RAT, hằng năm xã Yên Mỹ cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn rau, quả các loại. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Yên Mỹ Trần Đức Vinh cho biết, hiện nay nhà sơ chế đã đưa vào vận hành, trung bình mỗi ngày sơ chế được 1-2 tạ rau vào vụ hè, và 3-5 tạ vào chính vụ. Sản phẩm rau của Yên Mỹ chủ yếu tiêu thụ ở chợ đầu mối Hoàng Mai và chợ thị trấn Văn Điển cùng một số chợ, siêu thị, nhà hàng trên địa bàn thành phố. Hiện nay, HTX đã mở được 10 điểm tiêu thụ RAT với khối lượng khoảng 70 kg/ngày/điểm. Ngoài ra, Công ty Đầu tư Phát triển nông nghiệp Hà Nội còn thu mua tận ruộng khoảng 4-5 tạ/ngày vào lúc chính vụ.

Tiếp tục hỗ trợ mở cửa hàng tiêu thụ

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, hiện 2 vùng RAT của huyện sản xuất tương đối thuận lợi vì được đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng. Việc dán tem nhận diện cho RAT được kiểm soát chặt chẽ, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sản xuất RAT còn gặp nhiều khó khăn như: sản xuất nhỏ lẻ, lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, giá vật tư đầu vào biến động, giá và đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Hiện giá tại ruộng thấp nhưng giá bán tại các siêu thị, cửa hàng, sàn giao dịch còn cao do chịu nhiều chi phí trung gian. Mạng lưới tiêu thụ RAT phát triển chậm, thiếu liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh để bao tiêu sản phẩm cho người trồng rau. Trên thị trường chưa có sự quản lý chặt chẽ việc kinh doanh RAT nên người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm an toàn và không an toàn.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho vùng sản xuất RAT, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường kiểm tra việc sản xuất RAT, phát hiện và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để bảo đảm chất lượng RAT. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau trái vụ để tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa khoa học kỹ thuật mới đầu tư vào vùng sản xuất RAT. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền vận động nông dân đưa rau vào nhà sơ chế, dán tem nhận diện để nâng cao chất lượng và nâng giá thành RAT. Đẩy mạnh tiêu thụ qua các siêu thị, cửa hàng bán RAT, hỗ trợ kinh phí mở cửa hàng tiêu thụ RAT cho các HTX, các tổ chức, cá nhân để khuyến khích hộ trồng rau. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng, thông qua sàn giao dịch rau quả, thực phẩm an toàn của thành phố để tiếp tục quảng bá và nhân rộng sản phẩm RAT của huyện... 

Ngọc Quỳnh