Thủ tướng Anh thăm Trung Quốc: Lợi ích từ cái bắt tay chiến lược

Thế giới - Ngày đăng : 06:11, 05/12/2013

(HNM) - Sáu bộ trưởng cùng hơn 100 đại diện các công ty, tổ chức và tập đoàn hàng đầu nước Anh đã hiện diện trong chuyến thăm của Thủ tướng David Cameron tới Trung Quốc (vừa kết thúc ngày 3-12).

Chuyến thăm của Thủ tướng D.Cameron đã “cài đặt” lại mối quan hệ với Trung Quốc.



Là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), không nằm trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), thế nhưng, nền kinh tế của xứ sở Sương mù đã không thoát khỏi lao đao khi bị cuốn vào vòng xoáy tự nhiên của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực. Cộng thêm những "cú đòn" từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trước đó, sức lực của nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới đã giảm sút nghiêm trọng (có lúc tụt xuống vị trí thứ bảy để nhường chỗ cho Brazil). Nỗ lực để lấy lại "những gì đã mất" bằng hàng loạt biện pháp tổng lực đã giúp London tăng hạng, song sự hồi phục vẫn chưa được như mong muốn khi các đối tác truyền thống của nước Anh từ Mỹ đến Châu Âu đang chấp chới trong nợ nần và suy thoái. Vì vậy, khi không thể đặt mọi sự trông mong vào đồng minh lớn bên kia Đại Tây Dương, nước Anh phải tự tìm những hướng đi khác. Trong cuộc tìm kiếm đó, Trung Quốc là "người hùng" nổi trội. Sức mạnh có chút suy giảm nhưng vẫn đang ở "phong độ đỉnh cao" của nền kinh tế số hai thế giới được London kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho đảo quốc Sương mù. Các bản hợp đồng trị giá lên đến hơn 6 tỷ bảng Anh mà "êkíp" của Thủ tướng D.Cameron đặt ra trước chuyến đi xem ra không phải hão huyền. Những hợp đồng kinh tế cùng hàng loạt bản ghi nhớ trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao đã bổ sung cho mục tiêu mở rộng quan hệ toàn diện nhằm hỗ trợ cho hợp tác thương mại. Các cuộc tiếp đón nồng hậu của lãnh đạo nước chủ nhà khiến dư luận tin tưởng rằng cột mốc trao đổi thương mại song phương trong 10 tháng năm 2013 giữa Anh và Trung Quốc với 56,1 tỷ USD (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái) sẽ bị bỏ xa trong nay mai. Có rất ít nghi ngờ về triển vọng này khi cả khách và chủ đều thể hiện sự thiện chí trong việc củng cố liên kết kinh tế như đòn bẩy quan trọng nhất. Ý định trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư "mạnh cánh" Trung Quốc của ông D.Cameron đã thể hiện qua việc Anh đồng ý để Trung Quốc "bỏ tiền" vào dự án đường xe lửa cao tốc nối liền London và Birmingham.

Với những lợi ích kinh tế cùng chia sẻ như một thành quả của hợp tác sâu rộng, cả London và Bắc Kinh không có lý do gì để trì hoãn cái bắt tay chiến lược. Không chỉ là đối tác kinh tế "nặng ký", một Trung Quốc vẫn đang cất cánh còn là cầu nối chắc chắn để Anh tiếp cận với một Châu Á - Thái Bình Dương năng động và xứ sở Sương mù sẽ không bị bỏ lại ở đằng sau xu hướng chuyển trọng tâm về Châu Á mà nhiều cường quốc thế giới đang theo đuổi. Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi không ít khi vươn đến nước Anh. Là một thị trường khó tính, công nghệ và hàng hóa Trung Quốc sẽ "cải thiện" được hình ảnh nếu đứng vững được ở nước Anh - một thành viên quan trọng của EU. Việc Thủ tướng D.Cameron gạt bỏ các cảnh báo của Hội đồng Châu Âu (EC) để cam kết sẽ là "trung gian" thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - EU (CEFTA) làm Bắc Kinh thấy thực sự "mát lòng". Cũng nhờ sự nhiệt tình của London, chiến lược quốc tế hóa và gia tăng sức mạnh đồng NDT mà Trung Quốc ấp ủ đã được tiếp sức với thỏa thuận thiết lập cơ chế hoán đổi tiền tệ giữa đồng bảng Anh và đồng NDT với giá trị lên đến 20 tỷ bảng.

Thành quả rực rỡ của chuyến công du đến Trung Quốc đã gần như làm dư luận lãng quên những vướng mắc khiến quan hệ giữa hai nước trở nên giá lạnh cách đây chưa lâu. Mọi liên hệ cấp cao giữa Bắc Kinh và London dường như ngừng trệ sau khi Thủ tướng D.Cameron tiếp đón thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma hồi tháng 5 năm ngoái, điều mà Trung Quốc vô cùng giận dữ. Do vậy, chuyến đi lần này của ông chủ ngôi nhà số 10 phố Downing còn mang ý nghĩa hàn gắn rạn nứt. Ý nguyện này đã bắt đầu thành hiện thực khi cây cầu hợp tác đã được nối qua hai lục địa Âu - Á.

Vân Khanh