Cần có “nhạc trưởng”
Văn hóa - Ngày đăng : 06:22, 04/12/2013
Tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống là yêu cầu từ thực tiễn đời sống văn hóa. |
Một số điểm báo động
Tại hội thảo "Tìm giải pháp bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay", diễn ra vào cuối tháng 11-2013 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam công bố thông tin đáng chú ý, đó là 40/54 dân tộc ở Việt Nam không còn mặc trang phục truyền thống đúng như những gì mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ, thay vào đó là trang phục công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống hệt nhau, được bày bán tràn ngập trên thị trường. Những dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Rơ Măm, Ơ Đu, Thổ, Chứt… hoàn toàn không còn trang phục truyền thống. Minh chứng cho nhận định này, bà Đoàn Thị Tình, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc cho biết: "Qua nhiều chuyến điền dã, tôi nhận thấy ở vùng sâu, vùng xa, những người cao tuổi vẫn giữ được trang phục cổ truyền, nhưng hầu hết những bộ trang phục đó đã bị rách, phai màu. Tại các bản làng gần thị trấn, thành phố thì khó mà tìm được những bộ trang phục nguyên gốc".
Khảo sát về bản sắc văn hóa dân tộc tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho thấy cả xã này chỉ còn khoảng 100 người trong số hơn 8.000 người dân tộc thiểu số thỉnh thoảng sử dụng trang phục truyền thống, số còn lại đều mặc trang phục của người Kinh.
Mổ xẻ nguyên nhân khiến đồng bào các dân tộc không còn mặn mà với trang phục của dân tộc mình, giới nghiên cứu văn hóa chỉ rõ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự giao thoa văn hóa đã tạo ảnh hưởng và làm thay đổi nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào. Nhiều người cho rằng sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho công việc, sinh hoạt, vừa gây tốn kém, trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ. Đáng nói hơn, những làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng ở vùng cao như Tả Phìn, San Sả Hồ thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai), thôn Bản Túm, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hà Giang)… đứng trước nguy cơ mai một trang phục truyền thống vì nhiều thợ bỏ nghề. "Đồng bào các dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống nhưng không đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc, điều đó khiến đồng bào chán, dần bỏ nghề. Đồng bào bỏ nghề, sau này lấy đâu ra chất liệu để làm trang phục truyền thống?" - chị Vàng Thị Mai (người dân tộc Mông - Hà Giang) tỏ ra lo lắng.
Thực tế đã chứng minh rằng trang phục của các dân tộc là sản phẩm của lịch sử, là nét văn hóa đặc trưng, dù trong thời đại nào, xã hội nào thì cũng rất cần được bảo tồn, phát huy giá trị.
Cần sự can thiệp của Nhà nước
Trước thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc bị chính cộng đồng sáng tạo ra nó dần lãng quên, bà Đoàn Thị Tình đưa ra ý tưởng cách tân trang phục truyền thống cho phù hợp với cuộc sống hiện đại trên cơ sở giữ lại nét đặc trưng văn hóa của dân tộc đó. Không phản đối ý tưởng cách tân, nhưng ông Vi Hồng Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc miền núi cho rằng, muốn bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống trong đời sống đương đại thì có nhiều cách, một trong số đó là tạo không gian, môi trường văn hóa cho đồng bào các dân tộc có dịp trưng diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Theo ông Vi Hồng Nhân, không gian, môi trường văn hóa giúp trang phục truyền thống có "đất sống" chính là lễ hội truyền thống, những ngày văn hóa dân tộc, những câu lạc bộ giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau… Tán thành quan điểm này, GS Hoàng Nam (nguyên giảng viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) nêu kiến nghị, theo đó các cơ quan chức năng cần ghi hình nhằm lưu lại hình ảnh trang phục mà đồng bào dân tộc sử dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, như khi lên nương rẫy, ra đồng, trong dịp lễ hội, nghi lễ tâm linh…) để có tư liệu cho việc khôi phục.
Theo ông Ngô Quang Hưng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, chỉ khi nào có "bàn tay" Nhà nước can thiệp thì những giải pháp cụ thể nói trên mới có thể được thực thi, tạo hiệu quả. Bởi, thực tế đòi hỏi phải quy hoạch vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất cho các làng nghề dệt truyền thống, thêu thủ công, phải có các doanh nghiệp cung cấp vải sợi, thuốc nhuộm, chỉ thêu cũng như công cụ hỗ trợ cho làng nghề, đồng thời cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Theo chị Vàng Thị Mai, các cơ quan chức năng có thể bố trí một vài gian hàng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) để đồng bào các dân tộc có cơ hội giới thiệu, quảng bá trang phục đến các tầng lớp nhân dân, qua đó giúp đồng bào có ý thức giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Theo nhận định của ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song chưa có lúc nào việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng lại đứng trước những thách thức to lớn như hiện nay... "Để việc giữ gìn, phát triển bản sắc trong trang phục các dân tộc trở thành ý thức chung, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành" - ông Hoàng Đức Hậu nhấn mạnh.