Chấm dứt biểu tình tại Thái Lan: “Ngòi nổ” đã được tháo

Thế giới - Ngày đăng : 06:13, 04/12/2013

(HNM) - Bầu không khí căng thẳng suốt hơn một tuần qua ở thủ đô Bangkok đột nhiên tan biến vào chiều 3-12 khi Chính phủ Thái Lan lệnh cho cảnh sát ngừng đối phó với người biểu tình. Động thái bất ngờ này diễn ra đúng vào thời hạn chót - 48 giờ mà thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban ra tối hậu thư

Bình yên đang dần trở lại với thủ đô Bangkok.



Bình yên đang dần trở lại với người dân xứ Chùa vàng khi những người biểu tình hò reo ăn mừng, bắt tay, ôm hôn, tặng hoa và chụp ảnh cùng cảnh sát. Thỏa thuận "đình chiến" mang tính bước ngoặt trên diễn ra trong bối cảnh Ngày Quốc khánh; đồng thời là Ngày sinh nhật Nhà vua Bhumibol Adulyadej hôm 5-12 đang đến gần. Ghi nhận của báo chí Thái Lan 24 giờ qua cho thấy, mặc dù nhiều người biểu tình chưa rời thủ đô Bangkok nhưng chắc chắn họ sẽ không tiếp tục chiến dịch gây sóng gió như những gì xảy ra tuần qua trong một ngày có truyền thống dành cho các hoạt động kỷ niệm và cầu nguyện đặc biệt quan trọng này.

Việc hàng chục nghìn người biểu tình đột nhiên chấm dứt các hoạt động chiếm giữ trụ sở cơ quan chính phủ một lần nữa cho thấy, tuy chỉ nắm quyền lực mang tính biểu tượng trong thể chế quân chủ lập hiến, nhưng tiếng nói của Hoàng tộc và Nhà vua Thái Lan vẫn có sức nặng chính trị lớn, có khả năng quy phục được các tầng lớp nhân dân bất kể là người thuộc phái nào. Khi nói đến Đức Vua, mọi người dân Thái Lan đều thể hiện tình cảm tôn kính, cảm phục. Một chỉ dụ của Vua Bhumibol cũng có thể tạo ra bước ngoặt trên chính trường.

Chính phủ của Thủ tướng Yingluck cũng như đảng cầm quyền Vì nước Thái (Puea Thai) hiểu rõ hơn ai hết cái giá mà cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva phải trả trong cuộc khủng hoảng năm 2010 khi thẳng tay trấn áp những người biểu tình "áo đỏ" khiến 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương. Với lực lượng người biểu tình lên đến hàng chục nghìn người, chỉ một hành động bạo lực có thể châm ngòi cho ngọn lửa bùng lên bất cứ lúc nào. Phải chăng Thủ tướng Yingluck đã thành công khi tỏ thái độ mềm mỏng khiến người biểu tình dần dần phải rút lui?

Làn sóng biểu tình của phe đối lập đã tạm lắng, nhưng người dân Thái Lan vẫn phải gánh chịu hậu quả của "cơn thịnh nộ" này khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ phải đối mặt với "một thập kỷ giảm tốc" do bất ổn chính trị; trong đó ngành công nghiệp không khói chiếm tới 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chịu tác động trước tiên khi có tới hơn 30 quốc gia trên thế giới đã ban bố cảnh báo du lịch tới Thái Lan do lo ngại bất ổn. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Du lịch Thái Lan cho thấy, biểu tình đã làm giảm 350.000 khách du lịch nước ngoài tới xứ Chùa vàng trong tháng 11 vừa qua, khiến ngành công nghiệp không khói thất thu khoảng 25 tỷ baht (khoảng 80 triệu USD) và khó đạt chỉ tiêu về thu hút du khách nước ngoài trong thời gian từ nay tới cuối năm. Điều tệ hại hơn vừa được các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng, các cuộc biểu tình nếu tiếp tục diễn ra có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng cũng như làm trì hoãn việc triển khai gói kích thích trị giá 2 tỷ baht của chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển các dự án xây dựng hạ tầng, vốn bị đóng băng hàng tháng trời trước đó.

Những cuộc biểu tình đường phố ở Bangkok đã chấm dứt để chào đón sự kiện trọng đại Ngày sinh nhật Nhà vua Thái Lan 5-12. Trong bối cảnh chính phủ vẫn nhận được sự ủng hộ của Nhà vua, quân đội khẳng định sẽ giữ thế trung lập như lời Đại tướng Prayuth, Thủ tướng Yingluck đã tránh được một kịch bản không mong muốn - phải từ chức kèm theo một cuộc đảo chính quân sự như đã xảy đến với ông Thaksin hồi năm 2006.

Chính phủ của Thủ tướng Yingluck vừa trải qua thời điểm khó khăn nhất kể từ khi nhậm chức tháng 8-2011 đến nay. Thế nhưng không khó để nhận ra rằng, số phận của cựu Thủ tướng Thaksin - anh trai của nữ Thủ tướng Yingluck vẫn là chủ đề nhạy cảm bậc nhất trong xã hội Thái Lan hiện nay. Người dân đất nước Chùa vàng đã quá mệt mỏi với những cuộc biểu tình chính trị kéo dài triền miên nhiều năm qua, nhưng trong một tuyên bố mới nhất chiều 3-12, thủ lĩnh Suthep khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck. Điều đó cho thấy giải bài toán bất ổn chính trị tại Thái Lan hiện nay vẫn là thách thức lớn với Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck.

Đình Hiệp