Bài 2: Thiếu chế tài xử lý
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:05, 04/12/2013
Không chỉ tại cơ chế
Câu chuyện về 28/125 DN tại KCN Quang Minh không chấp nhận đấu nối với nhà máy xử lý nước thải của KCN chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực của báo chí và các cơ quan chức năng trong việc tìm hướng giải quyết.
PV Báo Hànộimới trao đổi với ông Nguyễn Khắc Sơn tại Nhà máy xử lý nước thải - KCN Quang Minh. |
Ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Công ty Nam Đức cho biết, vụ việc đã diễn ra một thời gian dài. Sau khi được giao làm CĐT KCN Quang Minh, Công ty Nam Đức đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong KCN. Nhằm hỗ trợ nguồn lực giúp CĐT KCN, ngày 5-11-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 3937/QĐ-CT phê duyệt mức tiền sử dụng hạ tầng KCN Quang Minh. Cụ thể là mức tiền sử dụng hạ tầng 10 USD/m2/50 năm (không bao gồm tiền đền bù, san nền, tiền thuê đất thô, phí xử lý nước thải). Đợt một trả 20% đến hết ngày 31-3-2005, số tiền còn lại trả đều trong 5 năm tiếp theo cộng thêm lãi suất. Mức phí quản lý KCN là 0,1 USD/m2/năm áp dụng từ năm 2006. Theo đó, KCN Quang Minh có 87 DN thuê đất trực tiếp của Nhà nước (tỉnh Vĩnh Phúc) là đối tượng phải ký hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng, trả tiền sử dụng hạ tầng, phí quản lý KCN cho Công ty Nam Đức. Tại thời điểm KCN này chuyển về TP Hà Nội (1-8-2008), vẫn còn 71 DN chưa ký hợp đồng và trả tiền thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty Nam Đức theo quyết định của tỉnh Vĩnh Phúc. Ngược lại các DN này liên tiếp gửi văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng của TP Hà Nội.
Để giải quyết các vướng mắc, ngày 25-11-2010, UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với các DN. Căn cứ vào ý kiến của các sở, ngành, ngày 8-6-2011, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 4523/UBND-KH&ĐT thông báo kết luận cuộc họp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng, nộp tiền sử dụng hạ tầng và ký hợp đồng xử lý nước thải tại KCN Quang Minh đối với các bên liên quan. Theo đó, thành phố yêu cầu các DN trong KCN nghiêm túc thực hiện Quyết định số 3937/QĐ-CT của tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời chấp hành các quy định về môi trường. DN nào gây ô nhiễm môi trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đối với các DN trực tiếp thuê đất của Nhà nước, đã được cung cấp hạ tầng bên ngoài dự án, phải ký ngay hai hợp đồng: thuê cơ sở hạ tầng và xử lý nước thải với Công ty Nam Đức trong tháng 7-2011. Thế nhưng, tính đến ngày 30-11-2012, vẫn còn 28 DN đã được Công ty Nam Đức cung cấp các điều kiện về hạ tầng nhưng chưa ký hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng, hợp đồng xử lý nước thải và trả phí cho CĐT.
Trong khi đó, ông Tăng Bá Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất & thương mại Phúc Tiến (Vĩnh Phúc), đại diện cho 28 DN này lại cho rằng Công ty Nam Đức đã áp đặt một mức giá phí thuê hạ tầng đối với các DN đã đầu tư vào KCN Quang Minh từ năm 2002, 2003 (thời điểm Công ty Nam Đức chưa đầu tư tại KCN Quang Minh). Điều vô lý là các DN bị ép buộc phải đóng phí sử dụng hạ tầng KCN theo mức giá của một hạ tầng hoàn thiện tính từ thời điểm năm 2004. Nhưng đến nay, hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Công ty Nam Đức đã không cho các DN ký hợp đồng xả thải bởi công ty này đã ghép chung hợp đồng xả thải thành một điều khoản trong hợp đồng thuê hạ tầng kỹ thuật KCN. Do các DN không thống nhất về hợp đồng thuê hạ tầng nên mặc nhiên các DN không thể ký được hợp đồng xả nước thải...
Vụ việc nhùng nhằng, kéo dài và cho đến nay 28 DN này đã bị Công ty Nam Đức kiện ra Tòa án nhân dân huyện Mê Linh. Đã có một DN là Công ty TNHH Công nghiệp và phát triển thương mại phải chấp hành quyết định của tòa, thanh toán cho Công ty Nam Đức số tiền hơn 4,4 tỷ đồng (phí sử dụng hạ tầng, phí quản lý khu công nghiệp).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, đó cũng là những bất cập hiện nay của một số KCN. Không chỉ ở Quang Minh, KCN Phú Nghĩa cũng có tình trạng như vậy. Theo ông Lĩnh, những bất cập này là do một số KCN phát triển từ CCN lên. Khi mới hình thành CCN, một số DN vào sản xuất từ trước, khi nhà máy xử lý nước thải được xây xong, những DN này lại chưa đấu nối. Về nguyên tắc, các KCN, CCN phải xây dựng hạ tầng xong thì mới kêu gọi đầu tư. Nhưng do sự phát triển "nóng" nên KCN vừa xây dựng, hoàn thiện vừa kêu gọi đầu tư dẫn đến tình trạng hạ tầng chưa xong, DN đã vào trước. Hoặc như KCN Nội Bài, đầu tiên định xây dựng thành khu chế xuất, khi đó chỉ xây dựng cho nước thải sinh hoạt của nhà máy, còn nước thải công nghiệp thì xả thẳng và yêu cầu DN tự xử lý nên dẫn đến việc có lúc không kiểm soát được. Đây là lỗi do lịch sử để lại, vì giờ đây, một KCN muốn kêu gọi DN vào, CĐT phải hoàn thành xong hạ tầng cơ sở, nhà máy xử lý nước thải, chiếu sáng...
Chưa phân rõ trách nhiệm
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi được nghe nhiều bức xúc của các cơ quan quản lý về tình trạng ô nhiễm nước thải tại các KCN, CCN. Đó là việc "nhờn" các quy định về tuân thủ môi trường. Nói về điều này, ông Vũ Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý Đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) nêu ví dụ tại CCN Thanh Oai, chủ đầu tư là COMA 18. Cụm này có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chuẩn nhưng trong 3 năm, họ vin vào việc cắt đất chuyển cho khu đô thị Đồng Mai nên mất đất quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm xử lý nước thải và đề nghị UBND huyện Thanh Oai cấp đất cho họ làm khu xử lý. Liên tiếp trong 3 năm các ban, ngành tiến hành kiểm tra, vừa qua mới lòi ra là không báo cáo huyện và huyện không biết. Đến khi UBND huyện đồng ý cắt đất thì DN kêu không có tiền để xây dựng trung tâm xử lý nước thải(?).