Vì sao chưa có sự bứt phá?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 04/12/2013
Về đầu tư, chủ yếu là đầu tư công, tình trạng thiếu quy hoạch, chậm tiến độ và những vấn đề tiêu cực đang là lực cản lớn. Còn về mặt chính sách, điều quan trọng cũng là cái thiếu hiện nay, đó là sự phân định rõ ràng thẩm quyền của trung ương và địa phương trong việc chi ngân sách, trong khai thác tài nguyên, trong phân chia lợi ích. Tình trạng ồ ạt xây dựng các dự án thủy điện vừa qua là điển hình của tình trạng làm theo phong trào, không tính hết mặt lợi và hại. Về đầu tư nước ngoài, cần ngăn chặn tình trạng kêu gọi đầu tư lấy được, cơ cấu dàn trải, bị nước ngoài lợi dụng đầu cơ về tài nguyên, đất đai, lao động, môi trường. Vấn đề mức nợ công so với GDP, tỷ lệ nợ nước ngoài chia cho bình quân đầu người… không phải là điều cần quan tâm nhất mà là sử dụng đồng vốn như thế nào cho có hiệu quả, hướng đầu tư có đúng hay không?
Về tài chính, việc cơ cấu sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng, giải tỏa nợ xấu, đầu tư vốn không có hiệu quả là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Tình trạng nợ chéo giữa các ngân hàng, việc thanh toán nợ xấu, tăng năng lực cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính thực chất là cuộc đấu tranh ngăn chặn và tiến tới dẹp bỏ lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong khu vực tài chính quốc gia. Do vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là xóa bỏ việc lợi dụng danh nghĩa nhà nước để cạnh tranh không lành mạnh và những liên kết ngầm giữa các ngân hàng tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Về doanh nghiệp, cần tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng vừa sức trong quản lý, sản xuất, kinh doanh. Bài học tổ chức mô hình tập đoàn trong khi trình độ quản lý, kỹ thuật, vốn chưa đáp ứng được yêu cầu của Vinashin, Vinalines là những cảnh báo sâu sắc. Một vấn đề cần được thảo luận nghiêm túc là trong điều kiện sản xuất tương tự như Việt Nam, tại sao hàng hóa của nhiều nước trong khu vực rẻ hơn, có sức cạnh tranh cao hơn. Một vấn đề nữa là doanh nghiệp nhà nước, tuy hoàn thành việc gánh vác những nhiệm vụ kinh tế mũi nhọn nhưng nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, còn ỷ lại, còn lẫn lộn giữa độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp… Cuối cùng, sự chênh lệch lớn, quá lâu trong tỷ lệ đóng góp vào GDP giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành thị và nông thôn là do đâu, làm cách nào để thu hẹp khoảng cách này? Trả lời câu hỏi ấy là tìm được lời giải cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tái cấu trúc nền kinh tế có liên hệ hữu cơ với các lĩnh vực khác trong toàn xã hội. Nó chậm vì chuyển biến của các lĩnh vực khác chậm. Cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua phát đi tín hiệu khả quan: Nền kinh tế đang có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng hồi phục và đi lên, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nếu bắt kịp xu hướng này, sẽ tạo ra sự bứt phá.