Thực trạng mức sống của lao động nữ nhập cư tại các KCN, khu chế xuất
Đời sống - Ngày đăng : 16:55, 03/12/2013
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH) |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: Những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu về vấn đề lao động việc làm tại các KCN, trong đó có đề cập đến người lao động nhập cư, lao động nữ nhập cư, tuy nhiên chưa có nghiên cứu độc lập nào về vấn đề lao động nữ nhập cư tại các KCN - KCX.
Trong thực tế, cùng với dòng chảy của lao động di cư, lao động nhập cư là một trong những vấn đề xã hội thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. Lao động nữ nói chung và lao động nữ nhập cư nói riêng đang làm việc tại các KCN – KCX là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, họ đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những bất cập trong vấn đề tiền lương, thu nhập.
Báo cáo công bố kết quả Đề tài nghiên cứu cho thấy: Việt Nam có 15 triệu công nhân, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; gần 2 triệu công nhân, lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó gần 70% là lao động nữ. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng công nhân lao động nhập cư đã tạo áp lực lớn và những hệ lụy trong đời sống văn hóa - xã hội ở các địa bàn dân cư.
Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp Tổ chức Action Aid Việt Nam tiến hành khảo sát tại 50 doanh nghiệp thuộc 7 tỉnh, thành phố tập trung đông KCN là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thanh Hóa từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2013.
Kết quả khảo sát cho thấy, lao động được khảo sát có tuổi đời khá trẻ, từ 18 - 40 tuổi chiếm 97,8%, trong đó lao động nữ nhập cư là 97,9%. Tỷ lệ lao động nữ đã kết hôn 73,4%, trong đó lao động nữ nhập cư là 71,7% và phần lớn trong số đó đã có con (62,9%), lao động nữ nhập cư là 62,1%. Lao động được khảo sát phần đông là lao động trực tiếp (chiếm 88,6%, lao động gián tiếp chỉ chiếm 11,4%).
Một trong những kết quả nghiên cứu được công bố là doanh nghiệp có xu hướng chia cắt tiền lương, trả lương cho người lao động ngang bằng với lương tối thiểu, trả thêm các khoản phụ cấp khác nhau như tiền chuyên cần, xăng xe, ăn trưa... Nhưng khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì sẵn sàng cắt những khoản phụ cấp trên khiến thu nhập người lao động lại thấp đi và không ổn định, cuộc sống càng bấp bênh, khó khăn.
Hiện nay thu nhập thực tế của đa số người lao động, trong đó có lao động nữ nhập cư còn quá thấp, không đủ điều kiện để trang trải chi phí cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày. Đa phần lao động nhập cư phải thuê nhà trọ để ở, đây cũng là nguyên nhân khiến đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư rơi vào tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định... Có tới 88,8% lao động nữ nhập cư phải làm thêm để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống...
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động; những yếu tố tác động tới đời sống, việc làm của người lao động; những nội dung cơ bản về chính sách tiền lương. Các đại biểu đề cập tới vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc đề xuất, cải cách tiền lương tối thiểu cho người lao động; chính sách cải thiện tiền lương tối thiểu cho người lao động trong các doanh nghiệp giai đoạn 2011- 2015; thực trạng, nhu cầu tăng lương tối thiểu cho người lao động nhìn từ góc độ khoa học; vai trò của Công đoàn trong việc góp phần nâng cao mức sống cho người lao động, trong đó có lao động nhập cư tại các doanh nghiệp…
Từ những góc nhìn tổng thể, các đại biểu đã bàn các giải nâng cao mức sống cho người lao động, trong đó có lao động nhập cư tại các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của lao động nói chung và lao động nhập cư nói riêng. Xây dựng nội dung và tổ chức nhiều các hoạt động chăm lo cho người lao động phù hợp với điều kiện của từng loại hình công đoàn cơ sở, chú trọng chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, hỗ trợ lao động nhập cư hòa nhập cộng đồng ở địa phương, khuyến khích người lao động tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục...
Tổng LĐLĐ Việt Nam và công đoàn các cấp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách tiền lương, các chế độ bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, phụ cấp, trợ cấp nặng nhọc, độc hại cho lao động; kiến nghị xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về tiền lương đối với người lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam vận động doanh nghiệp tăng tiền lương, phụ cấp, trợ cấp cho người lao động, hỗ trợ vé xe cho công nhân về quê ăn tết, tổ chức tặng quà cho công nhân lao động khó khăn. Đồng thời giới thiệu cho người lao động vay vốn từ nguồn quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm...
Các cấp công đoàn tổ chức các hội thảo, hội nghị đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động, kịp thời tháo gỡ bất đồng trong quan hệ lao động, thiết lập kênh thông tin hai chiều giúp lãnh đạo doanh nghiệp hiểu tâm tư, nguyện vọng để người lao động hiểu, chia sẻ và có trách nhiệm trong lao động sản xuất, góp phần tăng doanh thu, cải thiện tiền lương...
Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để Tổng LĐLĐ Việt Nam - thành viên của Hội đồng tiền lương Quốc gia có cơ sở thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Chính phủ mức lương tối thiểu phù hợp với mức sống tối thiểu của người lao động hiện nay, trong đó có lao động nhập cư.