Quy hoạch đê điều Hà Nội: "Nóng" nhu cầu bức thiết dân sinh

Đời sống - Ngày đăng : 14:07, 03/12/2013

(HNMO)- Chiều 3-12, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt trình bày tờ trình về Quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm  2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hệ thống đê điều Hà Nội gồm gần 800km đê, 136 kè với tổng chiều dài 167km bảo vệ bờ sông, 190 cống dưới đê, 234 cửa khẩu qua đê, 367 điếm canh đê… đặc biệt có hơn 37km đê Hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trung tâm thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt trình bày tờ trình về Quy hoạch đê điều

Hiện tại trên hệ thống đê điều của Hà Nội còn nhiều vấn đề tồn tại: Đê chủ yếu đắp bằng đất, có nhiều điểm cong gấp, thắt hẹp cục bộ, một số điểm chưa đủ cao trình chống lũ thiết kế, mái đê dốc, mặt cắt đê nhỏ, mặt đê được cứng hóa nhưng chỉ chịu được tải trọng nhẹ, còn có tuyến đê mặt chưa được cứng hóa, thân đê có nhiều ẩn họa, địa chất nền đê yếu; hầu hết các cống dưới đê được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, hư hỏng; bờ bãi sông thường xuyên xảy ra sạt lở.

Theo nội dung cơ bản của quy hoạch, các tuyến đê chính trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản được giữ nguyên hướng, tuyến. Quy hoạch chỉ điều chỉnh cục bộ một số vị trí nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ đê điều trong phòng chống lũ.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP cơ bản thống nhất với nội dung quy hoạch, đồng thời Ban đề nghị nhấn mạnh việc xác định quan điểm, mục tiêu xây dựng hệ thống đê điều phục vụ đa mục tiêu là hợp lý đối với TP Hà Nội song mục tiêu ngăn lũ là mục tiêu hàng đầu, các mục tiêu khác phải được xem xét trên cơ sở đảm bảo mục tiêu ngăn lũ và phù hợp với đặc thù địa chất, dòng chảy của sông và tính an toàn của hệ thống đê điều.

Trên cơ sở đó rà soát, luận giải kỹ hơn các đề xuất mở rộng, xây dựng mới các tuyến đê để kết hợp mục tiêu giao thông; kè mới các tuyến đê để kết hợp mục tiêu cảnh quan, du lịch. 

Hệ thống đê Hà Nội đang tồn tại nhiều vấn đề


Ngoài ra, việc đề xuất xây dựng mới một số đoạn đê để thuận tiện trong công tác quản lý hoặc thuận lợi cho giao thông cần được lý giải đầy đủ hơn; Cần bổ sung đầy đủ hơn về giải pháp đối với đê cũ và phương án sử dụng đất khi đề xuất xây dựng các đoạn đê mới…

Những nội dung này cũng đã được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến thảo luận tại hội trường. ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa) nêu ý kiến đề nghị phải đánh giá thêm tình hình phức tạp của chính bản thân các tuyến đê điều; đề nghị nếu mở rộng và nâng cấp mặt bằng đê có liên quan đến hành lang đất ven đê phải đánh giá nghiên cứu kỹ hơn về tình trạng lấn chiếm hành lang đê.

“Hà Nội có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích, trong đó có nhiều hồ ở khu vực Ba Vì, Mỹ Đức, rộng tới cả 1000 ha liên quan đến đê bối, do đó trong quy hoạch nên có tư duy dài hơi hơn về du lịch sinh thái, du lịch tâm linh” – ĐB Diên nói.

ĐB Nguyễn Văn Phong (Sóc Sơn) cho rằng nên bổ sung nội dung giải pháp phối hợp cùng các tỉnh, thành có liên quan trong việc quy hoạch, thiết kế hệ thống đê. 

ĐB Nguyễn Văn Phong (Sóc Sơn)


Cũng theo ĐB này, trong thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến bão lũ thất thường. Tại Sóc Sơn, trong lịch sử 60 năm trở lại đây chưa bao giờ liên tiếp trong 10 ngày 2 lần lũ trên sông Công, sông Cầu trên báo động cấp 3. Do đó, phải đặt ra vấn đề thường xuyên cập nhật, dự báo, điều chỉnh trong quy hoạch đến tận năm 2050.

ĐB Vũ Đức Bảo (Long Biên) phân tích hiện trạng hệ thống đê khu vực phía nam sông Hồng, mặt đê hiện nay cơ bản đã xây dựng kín nhà cửa. Do đó, quy hoạch đê điều nên tính toán về lâu dài có giữ khu vực dân cư này không.

ĐB Vũ Đức Bảo (Long Biên)


Về phía bắc sông Hồng, cơ bản là xóm làng, nhà cửa lâu đời, nếu duy trì đê cũ rất ít tác dụng nên TP nên nghiên cứu, giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, sinh sống của người dân.

Cùng quan điểm này, ĐB Hoàng Công Khôi (Hoàn Kiếm) đưa ra những căn cứ cho rằng: "Hoàn Kiếm có 2,8km đê nằm ngoài sông Hồng, bao gồm 2 phường Chương Dương và Phúc Tân với tổng số dân là 35.000 người. Thực tế hiện nay, người dân sống trên địa bàn đang có nhu cầu xây dựng bảo đảm nhà ở, phát triển kinh tế bảo đảm cuộc sống gia đình. Nhu cầu này là hết sức bức thiết. Nhiều năm nay chúng ta có chủ trương nhưng chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết của vùng ngoài đê.

Do hệ thống thủy điện, mực nước trong nhiều năm nay rất cạn. Bãi giữa sông Hồng hiện chiếm nửa sông Hồng, trong mùa cạn có thể lội qua được. Khi Bộ GTVT triển khai dự án đê 401, thực tế đây trở thành trục giao thông quan trọng của TP từ bắc xuống nam. TP cũng đã có chủ trương quy hoạch lại khu đô thị ven sông Hồng”.  Do đó, ĐB này đề nghị chọn phương án không nên coi đê bên trong là đê chính để kiên cố hóa vừa tốn kém vừa gây bức xúc cho người dân mà nên tổ chức một đê ở phía ngoài, tạo ra quy hoạch để người dân bảo đảm cuộc sống và quy hoạch lâu dài cho TP ven sông.

ĐB Hoàng Công Khôi (Hoàn Kiếm)


Trước những ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, đối với các tuyến đê tả, hữu sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm, trong quy hoạch nghiên cứu đã đề xuất 2 phương án, trong đó đã chọn phương án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đê bối để bảo vệ dân cư vùng bãi, các làng nghề và phát triển kinh tế - xã hội trên đoạn sông Hồng đi qua khu vực đô thị trung tâm.

Kết thúc phần thảo luận, Nghị quyết về Quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm đê điều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua với tỷ lệ ĐB tán thành là 83,2%.

Cũng cho chiều nay, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển thể dục thể thao TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội năm 2014 đồng thời thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND TP Hà Nội năm 2014.

Ngân Hạ