Bài 1: Có hệ thống xử lý cũng như không!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:06, 03/12/2013

LTS: Khi bước vào giai đoạn phát triển

Bài 1: Có hệ thống xử lý cũng như không!

Hà Nội hiện có 47 cụm công nghiệp (CCN) nhưng chỉ có 7 cụm là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 7/8 khu công nghiệp (KCN) đã có hệ thống xử lý nước thải thế nhưng khi đi vào vận hành, nhiều KCN gặp không ít trở ngại. Do đó, việc vận hành, hoạt động của một số CCN, KCN đã và đang gây bức xúc.

Đồng ruộng quanh cụm công nghiệp Lai Xá bị bỏ hoang do ô nhiễm khiến người dân không thể canh tác.


Sống chung với ô nhiễm

Về Tây Tựu những ngày cuối tháng 11, ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, tình trạng ngập úng trên địa bàn xã đã cơ bản được khắc phục khi huyện Từ Liêm đã đầu tư một hệ thống đường ống thoát nước nằm sát ngay khu ruộng Đồng Trong. Thế nhưng, người dân vẫn bức xúc khi ruộng vườn vẫn chịu ảnh hưởng bởi nước thải của CCN Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức). Đến bây giờ, màu xanh của hoa cúc, hoa hồng cuối vụ vẫn chưa phủ kín toàn bộ khu ruộng - điều hiếm thấy trước đây. Trên nhiều mảnh ruộng, bà con vẫn đang trong thời kỳ cải tạo đất để cây cối có thể sống được. Ở khu ruộng sát với CCN, cỏ lác mọc cao lút đầu, ruộng xâm xấp một thứ nước đen đúa đặc sánh.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ nhiệm HTX thôn 2 Tây Tựu lý giải, toàn bộ CCN Lai Xá, nằm cạnh khu ruộng Đồng Trong, có mặt đất nền cao, nên cứ mưa lớn là hơn 40 hécta ruộng của bà con như cái phễu hứng nước thải chưa qua xử lý đổ về. Trước đây, bà con đã kiến nghị việc Công ty CP Giấy và bao bì Mạnh Cường xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh Đồng Nai, chiều dài 2,5km, chảy qua địa phận xã Tây Tựu nên các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ và công ty này buộc phải di dời. Nhưng không còn công ty giấy thì CCN này vẫn còn tới gần 50 doanh nghiệp hoạt động và việc xả nước thải chưa qua xử lý xuống ruộng hoa và hoa màu của bà con đang canh tác vẫn xảy ra. Ông Nhâm kể lại, gần đây nhất (tháng 8-2013), ảnh hưởng của cơn bão số 5, 6 gây mưa lớn, toàn bộ khu ruộng Đồng Trong bị nước từ CCN Lai Xá đổ sang khiến hoa màu của bà con hư hại hết.

Chỉ vào những thanh nứa chống làm hàng rào để buộc nylon ngăn nước tràn vào ruộng, ông Nguyễn Văn Luyện ở Đội 5, thôn 2 xã Tây Tựu cho biết, phải làm cách đó để ngăn nước tràn vào ruộng hoa cúc. Bất chấp mọi cố gắng, nhà ông Luyện và nhiều nhà khác vẫn không thể cứu được những khóm hoa đang sắp đến kỳ thu hái. Ngay ruộng nhà anh Nguyễn Văn Cường ở cạnh bên, dù được tôn cao tới gần 40cm cũng vẫn không tránh khỏi ngập lụt. Anh Cường nhớ lại, nước từ CCN tràn sang có màu tim tím, đen đen và mùi hôi khó chịu. Nước ngập ở đâu thì sau đó không một cây nào sống nổi. Ông Nguyễn Văn Nhâm cho biết thêm, ngay sau khi xảy ra sự cố, HTX đã thống kê thiệt hại của bà con và gửi kiến nghị lên xã, lên huyện.

Không chỉ riêng CCN Lai Xá, tình trạng ô nhiễm nước thải từ các CCN ảnh hưởng đến cuộc sống của khu dân cư lân cận cũng diễn ra ở nhiều nơi. Theo thống kê của Ban Quản lý đầu tư các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội), đến tháng 10-2013, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai xây dựng 107 CCN (47 CCN và 60 cụm tiểu thủ công nghiệp), tại 21 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch là gần 3.200ha, thu hút 3.776 dự án và gần 64 nghìn lao động. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 7 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Thượng tá Lê Văn Tâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (CATP Hà Nội) nhận định, việc ô nhiễm nước thải ở các KCN, CCN đã và đang là vấn đề nhức nhối. Những sai phạm về ô nhiễm nước thải xảy ra ngày một nhiều trong thời gian gần đây. Điển hình như vi phạm của Công ty cổ phần Haprosimex Thăng Long (địa chỉ tại Km12, đường 32, xã Phú Diễn, Từ Liêm). Doanh nghiệp này sử dụng nhiều loại hóa chất trong khâu sản xuất tẩy nhuộm vải. Theo quy định chất thải từ khâu sản xuất này cần được quản lý, xử lý triệt để nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, từ khi đi vào sản xuất, công ty đã không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép khai thác nước ngầm và xả thải nước thải, không giám sát môi trường xung quanh; không thực hiện các biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường đối với nước thải, khí thải và chất thải nguy hại. Hiện nay, nước thải của công ty không qua xử lý xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước của thành phố, còn khí thải gây ô nhiễm khu dân cư. Những vi phạm này đã được đại diện tổ dân phố phản ánh khi đại biểu HĐND huyện Từ Liêm tiếp xúc cử tri.

Theo Thượng tá Lê Văn Tâm, từ năm 2010 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), Phòng Cảnh sát Môi trường (CATP Hà Nội) đã kiểm tra, ghi nhận vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này với số tiền là 92,5 triệu đồng. Nhưng đơn vị không chấp hành việc nộp phạt và khắc phục hành vi vi phạm theo quyết định với những cái cớ là không có diện tích xây dựng công trình xử lý nước thải vì chưa giải phóng được mặt bằng, do khó khăn về tài chính nên không thể nộp phạt được(?). Tuy nhiên, theo điều tra, công ty này hiện đang cho hai đơn vị thuê mặt bằng để kinh doanh với số tiền hơn 200 triệu đồng/tháng.

Bất cập chồng bất cập

Hà Nội hiện có 19 KCN và khu công nghệ cao (KCNC) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc ghi danh vào mạng lưới quy hoạch các KCN cả nước tới năm 2015. Trong đó, KCNC Hòa Lạc do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, 18 KCN còn lại do Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội trực tiếp quản lý. Hiện nay, Hà Nội đã và đang triển khai 12 khu, gồm 8 KCN đang hoạt động và 4 KCN đã có quyết định thành lập đang trong giai đoạn triển khai xây dựng. 6 KCN còn lại có trong danh mục quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020 nhưng đang trong giai đoạn lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

Trong 8 KCN đang hoạt động đã có 7 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đang vận hành. Còn lại KCN Sài Đồng B đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị trạm xử lý nước thải, cuối năm 2013 sẽ đi vào hoạt động. Rõ ràng, nếu nhìn vào bức tranh chung đó, người ta có thể yên tâm về môi trường các KCN hơn môi trường các CCN.

Tuy nhiên, khi đi vào vận hành, một số KCN đã và đang gây nhiều bức xúc. Điển hình như KCN Quang Minh (huyện Mê Linh) đã có nhà máy xử lý nước thải (giai đoạn 1) với công suất 3.000m3/ngày đêm. Nếu so với quy mô KCN, công suất này vẫn ở mức khiêm tốn. Ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức (chủ đầu tư KCN Quang Minh) cho biết, đến nay, nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất do nhiều doanh nghiệp không đấu nối đường ống thoát nước thải vào hệ thống xử lý nước thải chung dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Nguyên nhân của tình trạng này là giữa các bên vẫn chưa thỏa thuận được cơ chế phối hợp dẫn tới những phản ứng của doanh nghiệp trong KCN. Hay như KCN Nội Bài (huyện Sóc Sơn) lại có tình trạng nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý tập trung, còn nước thải sản xuất có chứa nhiều dầu mỡ, kim loại nặng thì lại do các nhà máy tự thu gom, xử lý và thải ra môi trường. Việc này dẫn đến tình trạng một số đơn vị xả trộm nước thải sản xuất chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường...

Rõ ràng, việc bảo đảm môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải trong các CCN, KCN trên địa bàn còn nhiều bất cập cần được giải quyết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân xung quanh.

Dương Trường Hải