Mừng nhưng không thỏa mãn
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:51, 03/12/2013
Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi kinh tế vĩ mô của chúng ta tiếp tục được giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,34%; 11 tháng tăng 5,5%, là mức tăng thấp trong 10 năm qua; kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt trên 121 tỷ USD, tăng 16,2%. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 12,56%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 6,85 triệu lượt, tăng 10,2%. Tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới 11 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Trong 11 tháng, cả nước tạo việc làm cho gần 1,4 triệu lao động; xuất khẩu lao động trên 70,2 nghìn người, tăng 7,7% so với cùng kỳ…
Đó là những con số… biết nói, là cơ sở để có thể tin tưởng mục tiêu duy trì tăng trưởng khoảng 5,4% là có thể thực hiện được.
Đó là bằng chứng cho thấy bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc.
Đó cũng chính là kết quả của những nỗ lực trong đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền; sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp vượt trên mọi khó khăn, thử thách. Sự quật cường của dân tộc Việt Nam từng được thể hiện trong công cuộc giành độc lập, thống nhất đất nước nay lại tiếp tục được phát huy trong thời đại mới - kiến thiết và xây dựng Tổ quốc.
Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được. Nhưng vấn đề là không thể "ngủ quên" với điều đó. Tại phiên họp vừa qua của Chính phủ, có thể thấy chặng đường phát triển phía trước của đất nước còn tiềm ẩn không ít khó khăn. Ví dụ như tái cơ cấu nền kinh tế cùng với việc xử lý nợ xấu chưa đạt tiến độ như mong muốn; kết quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế; vấn đề thu ngân sách đạt chỉ tiêu đặt ra còn gặp phải những áp lực lớn; nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu nhưng sự phát triển chưa bền vững; đời sống của bà con nông dân còn nhiều khó khăn… Ấy là chưa kể tới các yếu tố thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và diễn ra rất khó lường trong thời gian qua.
Vậy nên, trong phiên họp Chính phủ, thật mừng khi từng thành viên đều trình bày cụ thể, rõ ràng những việc cần phải làm trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng cơ cấu diện tích cây trồng hợp lý, bảo đảm việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nông dân. Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, đẩy giá bất hợp lý. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, để tiếp tục giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, phải khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội…
Và đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững khi chúng ta không dễ dàng thỏa mãn với những kết quả đạt được hôm nay.