Quản lý y tế: Yếu kém nổi cộm
Đời sống - Ngày đăng : 16:19, 02/12/2013
Chiều nay, các đại biểu HĐ ND TP thảo luận tại các Tổ đại biểu về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và những nội dung quan trọng được đại biểu quan tâm.
Các ĐB thảo luận tại Tổ số 3 trong chiều 2-12 |
Lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng còn hơn tham nhũng
Tại Tổ 3, các đại biểu thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện Từ Liêm, Phúc Thọ tập trung thảo luận về Dự thảo Nghị quyết tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014.
ĐB Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội và ĐB Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đều có chung quan điểm cho rằng những kết quả đạt được trong thực hiện kinh tế - xã hội năm 2013 của Hà Nội là hết sức quan trọng.
“Trong điều kiện rất khó khăn, trong đó có những khó khăn của chính Thủ đô, TP đã nỗ lực, cố gắng lớn từ lãnh đạo cho đến người dân, DN và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như chỉ tiêu phát triển kinh tế GDP đạt 8,25%; chỉ số lạm phát dưới 8%, cơ bản ổn định được kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống người dân không bị đảo lộn.
Trong phát triển văn hóa xã hội cũng có bước phát triển đáng khích lệ. Trong năm 2012 và đầu năm 2013, bức xúc về các cơ sở, quận huyện thiếu cơ sở giáo dục cấp mầm non và tiểu học đã được TP tập trung quyết liệt, xây mới hơn 3000 phòng học.
Ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông vẫn được coi là vấn nạn của TP thì trong năm qua đã được giải quyết tương đối tốt. TP đã xây 7 cầu vượt và thực hiện một loạt giải pháp khác, giải tỏa được ách tắc” - ĐB Hồ Quang Lợi phát biểu.
ĐB Nguyễn Đình Dương nêu ý kiến đề nghị cần nhìn nhận sâu sắc hơn về những yếu kém, đặc biệt là xuất khẩu của TP quá thấp. Kể từ năm 2011 đến nay, xuất khẩu của Hà Nội luôn luôn thấp hơn so với cả nước mà các báo cáo, giải trình đều không phân tích, lý giải được.
ĐB Nguyễn Đình Dương (giữa) phát biểu ý kiến |
“Về nhiệm vụ và giải pháp của năm 2014, tôi đồng tình cơ bản với dự báo bối cảnh khó khăn và nên đánh giá sâu hơn ở khía cạnh phục hồi, nội lực của nền kinh tế Việt Nam thực chất là như thế nào. Sự phục hồi của nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào sự linh hoạt của chính sach tài chính và tiền tệ của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều cơ hội, thuận lợi khi một số công trình dự án mới đưa vào sử dụng từ 2011 đến nay đã và đang phát huy tác dụng
Ngoài ra, cần phải rà soát lại danh mục 37 công trình trọng điểm và tiến độ thực hiện công trình trọng điểm, đặc biệt là công trình sử dụng vốn ngân sách. Thực tế hiện nay đang xuất hiện thêm những đoạn đường đắt nhất hành tinh, ví dụ như đoạn vành đai 1. Hà Nội đã mở rộng, khác trước rất nhiều, có nhiều phương án điều hành giao thông, do đó cần phải rà soát lại để lùi thời hạn, dành ưu tiên cho nông thôn mới, hạ tầng trọng điểm ở những khu vực khác.
Trong danh mục này, đề nghị rà soát và bổ sung thêm thông tin về các dự án BT và có giải pháp quyết liệt về dự án BT. TP hiện có 63 công trình BT, trong đó sẽ triển khai 16 dự án, còn lại 47 dự án đề nghị dừng. Trong 16 dự án này có 5 dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán được. Và nếu không khẩn trương quyết toán sẽ càng ngày càng rắc rối” - ông Dương nêu một số đề xuất.
ĐB Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội |
ĐB Hồ Quang Lợi thể hiện thái độ rất quyết liệt khi đề cập đến vấn đề chống lãng phí của TP bởi theo ông lãng phí sẽ gây hậu quả lớn hơn tham nhũng rất nhiều. Hiện nay TP nhìn đầu cũng thấy lãng phí, đặc biệt ở những dự án treo. Do đó, ĐB đề nghị kỳ họp HĐND lần này phải đưa ra bàn thảo để có quyết tâm lớn hơn chống lãng phí.
Quản lý y tế: bức xúc nổi cộm
Hầu hết các ý kiến thảo luận của các ĐB HĐND TP trong chiều nay (2-12) đều “mổ xẻ” vào quản lý y tế, đặc biệt là y tế ngoài công lập, trong đó quá một nửa số vụ việc gây bức xúc dư luận trong thời gian qua xảy ra tập trung tại Hà Nội.
ĐB Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế đưa ra thông tin Hà Nội hiện có khoảng 6000 cơ sở y tế ngoài công lập trong khi thanh tra Sở Y tế chỉ có 14 người, trong đó có 4 cán bộ phụ trách hành nghề y, 4 cán bộ phụ trách hành nghề dược, cả trong và ngoài công lập. Do đó, phải suy nghĩ về việc phân cấp tổ chức điều hành quản lý hệ thống này theo hướng giao cho quận, huyện, xã, phường thực hiện kiểm tra, giám sát, hàng tháng báo về phòng y tế để tâp hợp báo về sở y tế.
ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP |
“Yếu nhất của Hà Nội là xử lý mối quan hệ giữa ngành và cấp trong các hoạt động. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, cách đây 2 năm, chúng ta nói mãi trung tâm y tế nằm ở đâu? thuộc quận, huyện theo phân cấp theo Nghị định 14 hay về Sở y tế. Khi xảy ra một loạt vụ bê bối thì đổi cho sở y tế ít người, không có người, quận huyện không làm. Đó là bài học sâu sắc về trách nhiệm quản lý nhà nước với quản lý ngành” - ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND nêu quan điểm thẳng thắn.
Cũng nêu ý kiến cho vấn đề: “Trung tâm Y tế dự phòng về đâu?” ĐB Hồ Quang Lợi cho rằng nếu phân cấp “lơ lửng” như hiện nay là không phù hợp. Do đó, sẽ tiếp tục đề nghị TƯ phải có điều chỉnh để giao về cho quận huyện trực tiếp quản lý.
“Quá nửa số vụ việc bức xúc về y tế xảy ra ở Hà Nội. Có nhiều nguyên nhân nhưng cuối cùng ngành y tế vẫn phải chịu trách nhiệm. Cần có cách nhìn thực sự nghiêm túc và đúng mức về tất cả các sai phạm để có biện pháp quyết liệt hơn nữa chấn chỉnh lại hoạt động y tế, kể cả công lập và ngoài công lập. Phấn đấu năm 2014 giảm thiểu tối đa những vụ việc nghiêm trọng, bức xúc trong ngành y tế” - ông Hồ Quang Lợi phát biểu.