Thử thách nỗ lực cân bằng Đông - Tây
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 02/12/2013
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát. |
Sau cuộc đụng độ với cảnh sát vào đêm 29-11, dẫn đến việc lực lượng an ninh buộc phải dùng vòi rồng và lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông, các thủ lĩnh phe đối lập ở Ukraine đã đe dọa tiếp tục biểu tình quy mô lớn và kêu gọi bãi công trên cả nước đòi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Mặc dù chính quyền Ukraine ngay lập tức có những động thái xoa dịu dư luận nhằm hạn chế nguy cơ căng thẳng có thể leo thang, song diễn biến tại Ukraine trong hai ngày cuối tuần vừa qua vẫn rất phức tạp.
Điều này khiến nhiều người liên tưởng tới "cuộc chiến đường phố" có tên gọi Cách mạng Cam kéo dài suốt mùa đông năm 2004. Áp lực từ đám đông người biểu tình đã buộc Tổng thống đắc cử lúc bấy giờ là V.Yanukovych với đường lối thân Nga phải ra đi và đưa người hùng được phương Tây ủng hộ như Viktor Yushchenko vào vị trí Tổng thống và "nữ hoàng tóc tết" Yulia Tymoshenko làm Thủ tướng. Tuy nhiên, không bao lâu sau cuộc "đảo chính mềm", tình trạng đấu đá tranh giành quyền lực giữa những nhân vật từng kề vai sát cánh làm nên thành công của Cách mạng Cam đã khiến Ukraine chìm trong khủng hoảng chính trị. Tiếp theo đó, sự trở lại ngoạn mục của Tổng thống V.Yanukovych vào năm 2010 đã đặt dấu chấm hết cho Cách mạng Cam. Song, cho dù ông V.Yushchenko không còn tham gia chính trường, bà Y.Tymoshenko đang phải "bóc lịch" vì những tội danh gây ra trong thời kỳ nắm quyền, nhưng những giấc mơ mang giá trị phương Tây vẫn tồn tại ở Ukraine.
Vì thế, khi giành lại chiếc ghế Tổng thống năm 2010, ông V.Yanukovych đã có những nỗ lực cân bằng quan hệ Đông - Tây nhằm duy trì sự ổn định trên chính trường Ukraine. Do đó, việc tạm ngừng kế hoạch liên kết thương mại với EU là quyết định khiến Tổng thống V.Yanukovych phải "cân đong đo đếm" vô cùng kỹ lưỡng. Thứ nhất phải kể đến là nền kinh tế Ukraine. Từng một thời được coi là vựa lúa mỳ của Châu Âu, song quốc gia bên bờ Biển Đen này đang phải trải qua một trong những thời kỳ khó khăn nhất. Nền kinh tế đã suy giảm 5 quý liên tiếp. Ngành công nghiệp, xương sống của nền kinh tế, sụt giảm mạnh. Thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai lên tới 5,5% GDP và mới đây đã bị các cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế đánh tụt hạng xuống loại có nguy cơ cao. Khó khăn tài chính đã đẩy dự trữ vàng và ngoại tệ mạnh xuống mức chỉ còn đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong vòng chưa tới 3 tháng - mức báo động đỏ đối với hầu hết các nhà kinh tế. Trong bối cảnh đó, nếu ký kết Hiệp định liên kết và thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) với EU thì Ukraine cần có ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2017 để triển khai các tiêu chuẩn của Châu Âu trong toàn bộ nền kinh tế. Số tiền này không biết lấy đâu ra khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Nga đều nhất quyết nói "không" với các khoản vay mới dành cho Ukraine, trong khi các đối tác Tây Âu thì đang phải oằn mình chống chọi "căn bệnh" nợ công kéo dài trong nhiều năm qua bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Tuy nhiên, điều tệ hại nhất mà nền kinh tế Ukraine phải hứng chịu nếu kiên quyết đi theo con đường hội nhập Châu Âu là việc Nga sẽ "cấm cửa" tất cả hàng hóa Ukraine, đồng thời bán khí đốt cho nước này với mức giá thị trường. Đây mới thực sự là cú "knock-out" đối với nền kinh tế ốm yếu của Ukraine vốn đang "run rẩy" trước mùa đông khắc nghiệt sắp đến gần. Nếu không được xuất khẩu hàng hóa sang Nga và các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thì doanh nghiệp Ukraine sẽ đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt. Lý do là vì các mặt hàng của nước này sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng của EU nên không dễ gì tiêu thụ được tại thị trường được coi là khó tính bậc nhất thế giới này. Trái lại, hàng hóa của các nhà sản xuất Châu Âu sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine và "hất cẳng" các doanh nghiệp của nước này ra khỏi cuộc chơi ngay trên sân nhà của họ.
Khi chỉ có duy nhất một sự lựa chọn thì Kiev phải đi theo con đường có lợi nhất. Thế nhưng, điều này đang tạo cớ cho một số đảng phái đối lập nhằm kích động làn sóng hạ bệ uy tín của Tổng thống V.Yanukovych và chính phủ. Trong bối cảnh chỉ còn hơn một năm nữa bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra thì những thách thức mà nhà lãnh đạo 63 tuổi cần phải vượt qua để tái đắc cử không hề đơn giản. Đặc biệt khi những bất ổn chính trị sẽ là bóng đen tiếp tục đẩy Ukraine ngập sâu trong những khó khăn về kinh tế.