Cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền
Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 01/12/2013
Tuy nhiên, tình hình thanh niên hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, thanh niên có biểu hiện suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp. Đây là bài toán khó khiến tổ chức đoàn phải tiếp tục tìm lời giải…
Đoàn viên xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế trang trại. Ảnh: Bá Hoạt |
Đòn bẩy của tổ chức đoàn
Bí thư TƯ Đoàn Dương Văn An cho biết, Nghị quyết số 25 của Đảng ra đời tạo điều kiện để tổ chức đoàn có cơ hội thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ tập hợp, giáo dục, chăm lo cho thanh niên. Bởi vậy, ngay sau khi có nghị quyết, TƯ Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn cả nước tổ chức hơn 270 nghìn lớp học tập nghị quyết, thu hút hơn 19 triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia. 100% tỉnh, thành đoàn trực thuộc đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết đi vào cuộc sống, lần đầu tiên các cấp bộ đoàn triển khai đồng loạt nhiều đề án, cuộc vận động, chương trình, phong trào mới, phù hợp với đòi hỏi của thời đại như: "Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên", "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh", "Bốn đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp"… Đặc biệt, cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác" được thực hiện xuyên suốt trong công tác giáo dục của Đoàn, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh, thiếu nhi. Đến nay, 40/63 tỉnh, thành đoàn đã ký kết được chương trình phối hợp với ngành tư pháp tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên. 63 tỉnh, thành đoàn ban hành bản tin, tờ tin thanh niên, 45 tỉnh, thành đoàn có chương trình phát thanh thanh niên, 52 tỉnh, thành đoàn có chương trình truyền hình thanh niên, 38 tỉnh, thành đoàn có báo mạng về thanh niên…
Tại Hà Nội, Bí thư Thành đoàn Nguyễn Thị Ngà cho biết, Nghị quyết 25 như một luồng gió mới làm cho các mặt hoạt động Đoàn có sự chuyển biến tích cực. Tiêu biểu nhất là các cấp bộ đoàn của thành phố đã tập trung thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng thanh niên Thủ đô thời đại mới với 5 tiêu chí: Bản lĩnh vững vàng, thanh lịch văn minh, tri thức phong phú, sức khỏe dồi dào, kỹ năng thành thạo với 6 giá trị cốt lõi: Trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, tôn trọng và trách nhiệm. Trong các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được các cấp bộ đoàn thành phố cụ thể hóa bằng nhiều nội dung phù hợp với từng đối tượng thanh, thiếu nhi. Qua đó, cả 5 nhóm chỉ tiêu của Thành đoàn đề ra về công tác thanh niên đều đạt và vượt mức kế hoạch.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều bước đột phá, nhưng các cấp bộ đoàn từ TƯ đến cơ sở vẫn thừa nhận, công tác chăm lo, giáo dục thanh niên và hoạt động của Đoàn vẫn còn nhiều hạn chế. Năng lực triển khai thực hiện Nghị quyết 25 của nhiều cấp bộ đoàn chưa tốt, có biểu hiện chạy theo hình thức, còn thụ động trong tham mưu, đề xuất và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành. Chất lượng hoạt động Đoàn ở cấp cơ sở, nhất là khu vực phường, xã, thị trấn, trong doanh nghiệp và khu dân cư được coi là quan trọng và gần gũi nhất với thanh niên, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiệu quả nhiều mô hình, chương trình, hoạt động của Đoàn thiếu chiều sâu, tính bền vững, nhiều cơ sở đoàn chỉ chú trọng biểu dương, chưa chú ý phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong đoàn viên, thanh niên.
Khắc phục tồn tại đang là trăn trở lớn của tổ chức đoàn. TƯ Đoàn xác định, thời gian tới, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên vẫn xoay quanh bốn vấn đề cần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm, đáp ứng, đó là: Việc làm, học tập, thu nhập, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó có cả những nhu cầu mới đã hình thành và ngày càng trở nên bức xúc với thanh niên như dân chủ với thanh niên, công bằng và đánh giá đúng thanh niên.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà kiến nghị, cần tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện Nghị quyết 25 như quan tâm đầu tư thỏa đáng cho việc thực hiện các đề án, dự án liên quan đến thanh niên; xây dựng và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa để tạo điều kiện cho thanh niên tham gia hoạt động và rèn luyện; tạo hành lang pháp lý trong việc bố trí cán bộ chuyên trách đoàn ở cơ sở; chú trọng công tác luân chuyển cán bộ đoàn; thực hiện đúng Nghị quyết số 14 của Chính phủ về chế độ chính sách cho cán bộ đoàn chuyên trách đang bị nhiều nơi bỏ quên…
Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu đề xuất, cần loại bỏ tư tưởng, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng công tác thanh niên, chưa tin tưởng giao việc cho thanh niên, coi công tác Đoàn là việc ai cũng làm được. Thay vì chỉ chú trọng giao cho thanh niên những việc như hiến máu nhân đạo, hoạt động tình nguyện, cần tạo cơ hội cho thanh niên phát huy trình độ, kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ...
Rõ ràng, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, còn nhiều "rào cản" khách quan khiến công tác thanh niên vẫn còn hạn chế. Do đó, ngoài việc tổ chức đoàn cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể…