Thái Hòa chông chênh thoát nghèo…

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 01/12/2013

(HNM) - Chúng tôi đến Thái Hòa, huyện Ba Vì vào một ngày đầu đông. Trong khói lam chiều, bức họa đồng quê càng trở nên ấn tượng với những ngôi làng cheo leo bên sườn đồi nghi ngút khói bếp, con đường gập ghềnh men theo các cung đường nội đồng vừa được đào đắp, còn nguyên gốc rạ, chân rơm... Nhưng hơn hết, câu chuyện thoát nghèo ở đây vẫn còn lắm gian nan, nhọc nhằn…

1. Ở đất này, cái tên thôn, làng nào cũng đẹp, gợi lên sự trù phú, giàu có như Phú An, Phú Nhiêu, Thuận An… nhưng bao năm qua, cuộc sống chưa có sự bứt phá. Trên 90% đường giao thông trong thôn vẫn là đường đất, ngày nắng là đường nhưng ngày mưa là vũng. Thôn nhỏ chỉ có hơn 100 nóc nhà nhưng tới vài chục hộ nghèo và cận nghèo. Cái sự nghèo ở đây không phải do dân lười biếng hoặc không biết tổ chức làm ăn. Đồng đất Phú An khô cằn là thế mà mỗi năm người dân vẫn làm 3 vụ với đủ lúa, ngô, đậu tương, lạc… rồi chăn nuôi thêm gà, lợn. Song do không có nghề truyền thống, dịch vụ lại khó khăn nên để thoát nghèo vẫn còn loay hoay, nan giải. Ông Chu Văn Chờ, thôn Phú An tâm sự: Năm nào, xã cũng có hộ thoát nghèo nhưng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, dịch vụ lại đình đốn, đời sống người dân đang thực sự khó khăn...

2. Rời Phú An với những con đường đất bụi mù phía sau, chúng tôi được Trưởng thôn Trung Hà Chu Ngọc Toản đưa đến thăm xóm Vạn. Sau nhiều năm lênh đênh, trôi nổi trên sông Đà nay đã được… lên bờ, 30% số hộ của xóm đã vươn lên khá giả nhưng vẫn còn 70% số hộ khó khăn. Sống trong cảnh nghèo, không khi nào người dân xóm Vạn thôi mơ ước về một cuộc sống khấm khá hơn trên bờ. Năm 2005, cả xóm Vạn có 56 hộ dân sống dưới nước, với 253 nhân khẩu. Trong hai năm 2006 và 2008, UBND xã Trung Hà thực hiện cắm 50 suất đất giãn cư dọc theo đê sông cho người dân (mỗi suất 150m2). Đến bây giờ, hầu hết đã được lên bờ sinh sống, con cái được đi học, điều kiện chăm sóc sức khỏe cũng được nâng lên nhưng hiện vẫn còn tới gần 60% số hộ thiếu thốn. Nguồn thu nhập trông chờ vào con nước trong khi nguồn thủy sản tự nhiên ngày một cạn kiệt, môi trường ô nhiễm… bà con xóm vạn chài vẫn loay hoay trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và thoát nghèo vẫn còn là một câu chuyện dài với họ.

3. Trời đã đứng bóng nhưng không khí từ trung tâm xã đến các thôn vẫn còn rôm rả lắm. Chả là hôm nay, 3/6 thôn của xã đang chia ruộng thực tế, chuẩn bị hoàn tất dồn điền, đổi thửa hơn 100ha đất hai lúa. Là xã có diện tích đất hai lúa ít (gần 160ha) song lại có cái khó là đồng đất manh mún, bậc thang. Trải qua nhiều cuộc họp, đến nay 3 thôn lớn trong xã đã cơ bản dồn đổi xong, còn khoảng 50ha ở 3 thôn còn lại dân vẫn chưa thông, đành để kế hoạch sang năm 2014. Đi đôi với dồn điền, đổi thửa, xã đã quy hoạch cụ thể, ngoài đất lúa là 44,5ha trồng hoa cây cảnh và sản xuất rau an toàn, 2,9ha chăn nuôi tập trung, 30ha sản xuất ngô, 30ha sản xuất khoai lang. Quy hoạch đã rõ, nông dân cũng chăm chỉ với đồng ruộng nhưng để đời sống người nông dân ổn định, khá giả ngay ngày một ngày hai vẫn là khó bởi giá cả nông sản bấp bênh, hạ tầng giao thông khó khăn, nhiều dự án tổ chức sản xuất chưa được triển khai… Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Đô phân trần, nông dân Thái Hòa đều yêu đồng, bám ruộng là thế nhưng hai vụ lúa cũng chỉ đủ ăn, chăn nuôi thêm thắt thì giá lợn vừa nhích lên được vài nghìn song mấy ngày nay giá gà lại rẻ. Đầu ra của nông sản bấp bênh, đời sống của người nông dân khó mà khá lên được nếu giá cả không cải thiện. Thiếu việc làm, không có nghề phụ… bà con nông dân càng khó trăm bề. Ước mơ thoát nghèo của người dân Thái Hòa đã có từ lâu nhưng đích đến xem ra vẫn còn nhiều gập ghềnh, chông gai lắm...

Sơn Tùng