Để người đọc không mất niềm tin vào cuộc sống

Văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 01/12/2013

(HNM) - Tác giả chỉ giới thiệu ngắn gọn về mình trong tập truyện ngắn đầu tay thế này:



Đọc tập truyện ngắn này, thấy một giọng văn thú vị, tiềm ẩn nhiều năng lượng và trò chuyện với tác giả thì cũng lại hiểu thêm về không gian văn học trẻ rộng lớn qua công việc biên tập của chị ở "Tâm điểm thông tin" của văn giới (website Hội Nhà văn Việt Nam)…

Nhà văn Phạm Thị Phong Lan. Ảnh: Xuân Thủy


- Dân chuyên văn, viết truyện đăng báo từ sớm, nhưng tại sao đến bây giờ chị mới ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên?

- Những truyện ngắn đầu tiên tôi viết khi còn đang học cấp III, viết xong cất đi một thời gian rồi mang ra… đốt. Cứ mỗi năm lại làm một cuộc đốt tác phẩm đúng vào đêm sinh nhật, đó là một bí mật "hoang dã" nhất tôi từng có. Khi vào đại học mới gửi truyện ngắn đăng báo, bạn bè đọc được chia sẻ, tôi cũng thấy vui vui nên từ đó không đốt truyện nữa. Hơn 10 năm, tôi mới chọn lại 12 truyện mình thấy thích nhất để in tập sách đầu tiên. Lý do của muộn màng chỉ là thử xem cái nào còn "sống sót" (trước hết trong chính mình) sau một khoảng thời gian nhìn lại…

- "Ngược gió ngược nắng" (NXB Văn học và Công ty Truyền thông Hà Thế ấn hành) có giọng văn sống động nhưng tưng tửng, hài hước, tự trào, lắm khi như bất cần, nhưng hầu như những cái kết đều ấm áp hoặc chia ly thì cũng đầy hy vọng... Vì sao lại thế, thưa chị?

- Cuộc sống luôn có đầy đủ các sắc thái, các đối cực: Vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau, bất mãn - đắc ý… Mỗi người nhìn nhận và tự cảm lấy sắc màu của nó theo một lối riêng để rồi sống lại cảm xúc ấy một cách ấm áp hay lạnh lẽo. Khi bị rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười thì tôi chọn cách… cười. Cuộc sống, với tôi cũng được kể lại từ cái góc quan sát ấy. Nhưng sau mỗi hành trình, tôi muốn khi mình dừng lời thì người nghe dẫu có thể là cười… rơi nước mắt đấy nhưng sẽ không mất lòng tin vào con người và cuộc sống này.

- "Con gái xứ Đoài" có phải là hình bóng tác giả không? Điều gì ở vùng đất này ám ảnh chị nhất, ảnh hưởng đến ngòi bút của chị nhất?

- Tôi được sinh và lớn lên ngay dưới chân núi Ba Vì, vùng đất "xứ Đoài mây trắng" nhiều huyền thoại. Tôi biết ơn và kính trọng xứ sở đó, dù chưa viết được gì nhiều về quê hương mình. "Con gái xứ Đoài" là truyện ngắn tôi dành rất nhiều tình cảm, viết với một sự rưng rưng tận đáy lòng. Tất nhiên, trong mỗi tác phẩm không thể thiếu dấu ấn của tác giả, nếu người đọc coi nhân vật mang hình bóng tác giả thì đó là một thành công, vì khi đó mình đã hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Tôi không nghĩ mình được, hay bị ám ảnh bởi vùng đất nào mới cầm bút viết về nơi đó, mà tất cả đều bắt đầu từ tình yêu. Nếu yêu và sống trọn vẹn, thành thật với điều gì thì tự điều đó sẽ cất tiếng trong trái tim mình và trên trang viết…

- Làm việc ở tâm điểm thông tin của văn giới, với tần suất tiếp xúc lớn với tác giả, tác phẩm, bản thảo tác phẩm từ khắp mọi miền cả nước… hẳn chị có những nhận định riêng về lực lượng viết trẻ hiện nay?

- Tôi về làm việc tại Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam cũng bắt đầu từ tình yêu và sự… tò mò. Từ lâu, tôi rất muốn biết trước khi một tác phẩm của ai đó được "trình làng" thì nó ra sao, có thật sự trơn tru, hoàn chỉnh như mình vẫn đọc trên sách báo không. Khi trực tiếp làm công việc này, tôi mới thấy mệt nhoài vì trí tò mò của mình, nhất là khi phải đối diện với những bản thảo "ngổn ngang gò đống" mà tác giả của nó lại quá giàu nhiệt tình và tham vọng. Những cuộc trao đổi giữa biên tập viên với tác giả luôn là cả một thử thách lớn về lòng kiên nhẫn. Theo tôi, lực lượng viết trẻ lúc này rất đông nhưng không thực sự mạnh. Họ có điều kiện để tiếp cận, tiếp nhận vừa nhanh vừa nhiều những thông tin mà trước đây phải mất một khoảng thời gian dài người viết mới có được. Song ở các cây bút dường như chưa có sự bình tĩnh để đủ thấm, để thanh lọc những ngổn ngang thông tin từ đời sống, nên chưa tạo được một bệ phóng vững chắc cho trang viết của mình. Chúng ta buộc phải thừa nhận sự tiếc nuối trước một vài tác giả trẻ vừa lóe sáng đã nhanh chóng mờ nhạt bởi sự nôn nóng của chính họ.

- Vậy ngược lại, có những cái tên nào dù không ồn ào nhưng trang viết thì lại có nhiều điều để hy vọng?

- Theo cảm nhận của riêng tôi, một số tác giả trẻ hiện nay vẫn đang viết đều và điềm tĩnh như Nhụy Nguyên (Huế), Phạm Văn Vũ (Thái Nguyên), Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang), Đào Tấn Trực (Phú Yên)… Họ cũng có ý thức trong việc trau dồi kỹ năng để viết một cách chuyên nghiệp, bên cạnh việc gìn giữ cảm xúc trong trẻo và riêng có của mình. Tôi hy vọng, điều này khiến họ có thể đi xa hơn thay vì những cây bút chỉ trông cậy vào bản năng viết hoặc kỹ thuật đơn thuần.

- Với riêng chị, văn chương có ý nghĩa như thế nào?

- Bạn có thể sống quá một giờ mà không thở, quá một ngày mà không buồn - vui - yêu - ghét không? Hiện nay, văn chương vẫn đang hằng ngày chiếm lĩnh trọn vẹn không gian và tâm trí tôi, cùng thở và cùng yêu với tôi. Văn chương với tôi chính là một phần (khá lớn) làm nên sự đầy đủ của cuộc sống.

- Dẫu có "thong thả" đến đâu thì chắc là sau tập truyện ngắn đầu tay này, chị sẽ có một vài dự định công bố các sáng tác đã, đang và sắp hoàn thiện của mình?

- Tôi đang chọn những truyện ngắn tiếp tục "sống sót" qua thời gian để in một tập sách nữa. Rồi tôi cũng đang hoàn thành một truyện dài có tên dự kiến là "Những miếng vỡ của P" viết về quãng thời gian rời chân núi xuống phố phường của chính tôi gần 20 năm qua. Tôi viết cuốn sách này để dành tặng cho chính tuổi trẻ của mình. Hy vọng sẽ nhận được sự chia sẻ của nhiều bạn đọc không chỉ thuộc thế hệ chúng tôi!

- Xin cảm ơn và chúc chị sớm công bố tác phẩm mới của mình!

Thi Thi