Chỉ số niềm tin kinh doanh của Việt Nam được cải thiện

Kinh tế - Ngày đăng : 09:59, 30/11/2013

(HNMO) - Trong khi chỉ số niềm tin kinh doanh tại các nền kinh tế phát triển tăng trung bình 5 điểm thì chỉ số niềm tin kinh doanh tại các nước đang phát triển lại giảm 9. Tuy nhiên, Việt Nam lại là điểm sáng.

Ảnh minh họa


Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Regus thực hiện với hơn 20.000 nhà quản lý cao cấp trên 95 quốc gia, trong khi chỉ số niềm tin kinh doanh tại các nền kinh tế phát triển tăng trung bình 5 điểm, lên 109 thì chỉ số niềm tin kinh doanh tại các nước đang phát triển lại giảm 9 điểm, xuống còn 117. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chỉ số niềm tin kinh doanh lại tăng 9 điểm lên 118 điểm, so với 109 điểm vào tháng 4/2013, cao hơn 5 điểm số với trung bình toàn cầu là 113 điểm.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam có ý định tập trung vào việc giữ chân nhân viên, cũng như tìm kiếm các nhà cung cấp có chi phí hợp lý trong vòng 12 tháng tới để tối ưu hóa các quy trình kinh doanh và tận dụng những tài sản hiện tại, mà không ảnh hưởng tới các kế hoạch phát triển trong tương lai.

Ông Serge Dupaux, Tổng giám đốc Regus Việt Nam cho biết, trong khi chỉ số niềm tin kinh doanh tại các nền kinh tế phát triển tăng trở lại nhờ tình hình kinh tế khả quan, các nền kinh tế đang phát triển lại có dấu hiệu chững lại do các doanh nghiệp đều tập trung vào việc nâng cao hiệu quả và tăng năng suất. “Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy việc sử dụng các không gian làm việc linh hoạt cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.-Ông Serge Dupaux nói.

Regus cho rằng, có 4 nguyên nhân giúp tăng hiệu quả hoạt động tại Việt Nam là: Nâng cao tỷ lệ nhân viên gắn bó với doanh nghiệp (58%), tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ có chi phí hợp lý (42%), các hoạt động marketing và quảng cáo mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn (38%) và giảm thiểu chi phí thuê văn phòng cố định (33%).

Hương Thủy