“Cỗ xe tam mã” trước con đường chông gai

Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 30/11/2013

(HNM) - Cuộc đàm phán

Chính phủ liên minh được kỳ vọng sẽ mở ra một thời kỳ mới cho nước Đức.



Ngay khi thông tin tích cực này được phát đi, trong phiên giao dịch ngày 27-11, đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm vừa qua (ở mức 1 euro đổi được 138,01 yên và 1,3590 USD). Sự hứng khởi cũng được thể hiện rõ nét bằng sắc xanh liên tục suốt hai ngày trên thị trường chứng khoán Châu Âu. Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận mới nhất ở Đức cho thấy, 2/3 cử tri ủng hộ một chính phủ tả - hữu giữa hai đảng lớn nhất của nước này. Đây cũng là liên minh đã quen thuộc với người dân Đức trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng A.Merkel từ năm 2005 đến năm 2009. Hai đảng này cũng khá đồng điệu trong việc giải quyết những vấn đề trọng tâm như cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) hay việc cắt giảm và hướng tới từ bỏ vĩnh viễn năng lượng hạt nhân ở Đức.

Nhằm khỏa lấp một số khác biệt về chính sách giữa CDU/CSU và SPD, theo thỏa thuận vừa đạt được, sẽ có một số thay đổi đáng kể liên quan đến vấn đề lương hưu và mức lương tối thiểu ở Đức. Trong đó, về lương hưu, kế hoạch được đề xuất là những người từ 63 tuổi, đã đóng bảo hiểm 45 năm, có thể về hưu mà không bị khấu trừ lương, ưu tiên những bà mẹ sinh con trước năm 1992. Kế hoạch này sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2014. Ngoài ra, từ năm 2017, sẽ có khoản "lương hưu đoàn kết" ở mức 850 euro/tháng để bảo đảm cuộc sống cho những người thu nhập thấp. Trong vấn đề lương tối thiểu, hai bên nhất trí áp dụng mức 8,5 euro/giờ chung cho toàn liên bang từ năm 2015. Vấn đề quốc tịch kép cũng sẽ được áp dụng cho các trường hợp con em người nước ngoài sinh ra ở Đức sau năm 1990, vốn trước đó phải lựa chọn hoặc quốc tịch Đức hoặc quốc tịch gốc của cha mẹ khi đến tuổi 23. Còn về tài chính, các đảng nhất trí sẽ không tăng thuế, đạt cân bằng ngân sách từ năm 2014 và bắt đầu từ năm 2015 sẽ không có nợ mới cho ngân sách quốc gia.

Như vậy, với cái bắt tay giữa CDU/CSU và SPD, bà A.Merkel đã chính thức vượt qua "Bà đầm thép" huyền thoại của nước Anh Margaret Thatcher để trở thành nữ nguyên thủ giữ vị trí này lâu nhất trong lịch sử Châu Âu. Lên nắm quyền năm 2005, từ chỗ bị nghi ngờ về khả năng lãnh đạo, bà A.Merkel đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Đức với phong cách tự tin, vững vàng và khôn khéo khi giải quyết các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại. Những chính sách đúng đắn, không những đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi tình trạng ì trệ mà còn vượt qua "cơn bão" nợ một cách ấn tượng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, xuất khẩu được giữ vững và triển vọng tương lai của Đức trong năm 2014 vẫn tươi sáng, trong khi một số nước thành viên Eurozone tiếp tục phải vật lộn với những khó khăn về ngân sách. Điều này đã giúp nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức trở thành nhà lãnh đạo duy nhất trong số các quốc gia đầu tàu của Eurozone "giữ được ghế" sau sóng gió của khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra, bà A.Merkel cũng gây được ấn tượng tốt đẹp với những người đồng cấp ở cựu lục địa khi được nhìn nhận như một nhân vật có khả năng xoa dịu những bất đồng trong EU, cân bằng mối quan hệ Đông - Tây.

Nói như vậy không có nghĩa con đường sắp tới của chính phủ mới sẽ trải toàn hoa hồng. Nhiệm vụ trước mắt của đại liên minh cầm quyền là phải tái cân bằng nền kinh tế lớn nhất Eurozone và tranh thủ sự ủng hộ của người dân Đức để giải quyết các vấn đề nợ và ngân hàng. Điều này không dễ khi mà các chuyên gia cảnh báo kế hoạch áp dụng mức lương tối thiểu mà SPD đưa ra có thể tác động nghiêm trọng tới thị trường việc làm ở nước này. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về tài chính muốn thu gọn bộ máy làm việc và giảm bớt lương nhân công, việc áp dụng cố định một mức lương tối thiểu sẽ khiến người lao động khó tìm kiếm được công việc mới. Đây sẽ là những thách thức khá gai góc đối với "cỗ xe tam mã" mà nữ Thủ tướng A.Merkel là người cầm cương.

Tuy nhiên, việc lập được chính phủ đại liên minh đã tạo những cơ sở chính trị quan trọng để nước Đức sớm ổn định, tiếp tục các mục tiêu phát triển trong vai trò trụ cột kinh tế lớn nhất Châu Âu và là điểm tựa chắc chắn để Eurozone vượt qua khủng hoảng.

Quỳnh Chi