Tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp

Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 30/11/2013

(HNM) - Bên lề QH, các ĐBQH khẳng định, việc thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức và cử tri cả nước.


ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội): Đổi mới mạnh mẽ chế độ bầu cử

Nét mới của Hiến pháp vừa được thông qua là thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Tôi cho rằng, việc hiến định Hội đồng bầu cử quốc gia với các thiết chế hoạt động độc lập là sự kiện quan trọng, tiếp tục khẳng định quyền nhân dân, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong việc tham gia bầu cử và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chế độ bầu cử, để nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước, thực sự lựa chọn được những đại biểu xứng đáng để bầu vào QH và các cơ quan đại diện ở địa phương. Chúng ta đã đi được bước quan trọng là xây dựng Hiến pháp và được QH thông qua thì việc cấp bách tiếp theo là phải phổ biến sâu rộng trong nhân dân để mỗi người dân quán triệt, hiểu rõ giá trị nội dung và tự giác thi hành Hiến pháp.

ĐB Bùi Văn Cường (Đoàn Gia Lai): Cần sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND

Với việc xây dựng, thông qua Hiến pháp, QH đã thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng trong lịch sử lập hiến và thực tế số ĐBQH biểu quyết tán thành đã đạt kết quả cao nhất trong tất cả các dự luật được thảo luận từ đầu kỳ họp đến nay. Tôi đặc biệt ủng hộ cách làm việc khoa học, tỉ mỉ, hết sức mình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là sau khi lĩnh hội các ý kiến đóng góp đã cụ thể hóa tất cả các quyền của công dân theo các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia trong Hiến pháp để tránh chuyện lạm quyền của các cơ quan thi hành pháp luật. Nhưng quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp chỉ nêu những vấn đề cơ bản. Cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện đầy đủ hơn. Đồng thời, phải sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND, trong đó phân định rõ mô hình chính quyền địa phương để giúp các địa phương triển khai thuận lợi.

Bách Sen