Thành công từ đồng ruộng

Công nghệ - Ngày đăng : 06:41, 29/11/2013

(HNM) - Sau 10 năm triển khai, Chương trình


Hiệu quả thiết thực

Ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi, Bộ KH-CN cho biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phê duyệt 278 dự án, triển khai tại 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng. Các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi chủ yếu tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề: Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ, đào tạo kỹ thuật và tập huấn cho nông dân, ứng dụng công nghệ vào thực tế.

Nghề trồng nấm đã giúp nhiều người dân thoát nghèo.



Các dự án thuộc chương trình đã giúp nhiều địa phương tiếp nhận, làm chủ công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản phẩm hàng hóa, phát triển các cây trồng đặc sản của địa phương… Thông qua đó, người nông dân đã có thể phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, sản xuất giống và nuôi trồng thủy, hải sản hướng tới tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu...

Tính đến nay, nhiều dự án đã cho hiệu quả cao, trong đó phải kể đến dự án "Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất hoa tại xã nông thôn mới Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội". Dự án đã triển khai mô hình trồng lan hồ điệp, hoa lily, hoa đồng tiền... với hàng nghìn mét vuông mỗi loại dựa trên công nghệ và hệ thống kích lạnh tại chỗ. Theo đó, người trồng hoa không còn phải đem lan hồ điệp lên tận Sa Pa (Lào Cai), để kích lạnh cho ra mầm như khi chưa triển khai dự án. Điều đó giúp giảm chi phí sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với mỗi héc ta hoa loa kèn, người dân thu được tới 250 triệu đồng/vụ, hoa đồng tiền 350 triệu, hoa lily đạt 700 - 800 triệu, lan hồ điệp đạt 900 triệu - 1 tỷ đồng.

Hay dự án "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại Hà Nam" do Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam chủ trì cũng chứng minh được có hiệu quả kinh tế cao. Tối thiểu người dân tham gia dự án được bảo đảm có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/10.000 bịch nấm. UBND tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ trực tiếp mô hình 16 tỷ đồng và người dân góp vốn gần 22 tỷ đồng. Đến nay, đã có trên 400 hộ dân tham gia trồng nấm, giải quyết trên 800 lao động nông nhàn với thu nhập bình quân mỗi người khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa tại vùng lúa chất lượng cao ở 4 huyện vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An", thực hiện giai đoạn 2011 - 2013 đã triển khai 90ha lúa bằng công nghệ san phẳng mặt ruộng. Sử dụng công nghệ này, mặt ruộng được san phẳng từ mức ban đầu là 30 - 35cm xuống chỉ còn dưới 3cm. Đây là điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa nước, giúp cho chi phí sản xuất giảm đáng kể, khoảng 3 - 7,7 triệu đồng/ha. Cụ thể, lượng giống gieo sạ giảm 10 - 30kg/ha, giảm 30% - 50% thời gian mỗi lần bơm nước tưới và giảm hẳn 1 lần bơm trong 1 vụ, giảm việc phun thuốc trừ cỏ từ 1 đến 2 lần/vụ, giảm lượng phân bón từ 5% đến 10%, năng suất lúa tăng từ 1 tấn đến 1,5 tấn/ha.

Tính đến nay, chương trình đã huấn luyện cho 90.000 người dân và cán bộ kỹ thuật, trong đó có 15.000 người làm chuyên môn và 75.000 nông dân, giúp bà con thực hiện thành công các dự án trên chính đồng ruộng của mình.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về hiệu quả thiết thực mà chương trình mang lại. Qua nửa chặng đường, 278 nhiệm vụ của chương trình đã chuyển giao được 961 công nghệ, trong đó đã hoàn tất chuyển giao 661 công nghệ, còn khoảng 300 công nghệ đang trong quá trình thực hiện. Đáng chú ý, chương trình cũng đã đạt được một mục tiêu quan trọng, đó là tập huấn, nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ ở cơ sở để họ giúp bà con nông dân kỹ thuật canh tác, kỹ thuật giống... Đội ngũ cán bộ quản lý và cơ sở từ các sở KH-CN tới các cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, cán bộ khoa học kỹ thuật tại các doanh nghiệp cũng được bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý để biết cách triển khai các dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống.

Trong thời gian tới, để bảo đảm hiệu quả của việc chuyển giao công nghệ vào khu vực nông thôn, miền núi, theo ông Nguyễn Thế Ích, mỗi dự án triển khai phải chủ động được từ khâu sản xuất giống, vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm và phải gắn với thị trường tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất. Các mô hình phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, cần huy động được các nguồn lực tại chỗ vào việc xây dựng mô hình.

Hạnh Hoàn