Để chính sách hỗ trợ đến tay nông dân: Giảm thủ tục, tăng đối thoại

Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 29/11/2013

(HNM) - Sự giải đáp kịp thời của các cơ quan chức năng được coi như một biện pháp hữu hiệu để tạo sự đồng thuận cho các địa phương triển khai chương trình NTM ngày một thuận lợi…

Có làm mới được hỗ trợ

Liên quan đến việc hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012, bà Nguyễn Thị Linh (huyện Phúc Thọ) đặt câu hỏi: TP Hà Nội có chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng bằng vật tư với hình thức hỗ trợ sau đầu tư, nhưng liệu có tình trạng địa phương khai khống khối lượng công trình để nhận hỗ trợ nhiều hơn?

Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thái Hiền


Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hưng - Trưởng phòng Quản lý ngân sách quận, huyện, xã, phường - Sở Tài chính Hà Nội cho biết, Sở Tài chính có văn bản số 4791/STC-NSQH ngày 12-10-2012 hướng dẫn cụ thể nội dung, mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ và trình tự thực hiện. Đến thời điểm này, UBND TP đã cấp 1.008 tỷ đồng cho các địa phương để triển khai thực hiện. Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố được thực hiện theo các nguyên tắc: Ưu tiên các xã có khối lượng và tích cực thực hiện; ưu tiên các xã điểm của thành phố đã có quyết định điều chỉnh, bổ sung đề án; ưu tiên hỗ trợ các xã đăng ký phấn đấu sớm hoàn thành chương trình xây dựng NTM… Vì thế mới quy định "hỗ trợ sau đầu tư" - nghĩa là chính quyền và người dân có đồng thuận làm đường làng, ngõ xóm, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, làm đường giao thông thủy lợi nội đồng xong mới được hỗ trợ chi phí vật tư (tính theo định mức quy định của Nhà nước và quy định đầu tư theo chuẩn mực NTM). Như vậy sẽ tránh được việc ở nhiều nơi thuê tư vấn thiết kế dự toán quy mô, kỹ thuật quá mức cần thiết làm tăng chi phí dự toán công trình, gây lãng phí. Ngoài ra, điều này cũng tránh tình trạng đường làng còn tốt, đi lại thuận lợi vẫn phá đi đổ bê tông, đường trục chính nội đồng không nhất thiết phải xây kè hai bên kiên cố… làm vượt quá khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách xã và các nguồn lực của cộng đồng địa phương.

Cách nào để tiếp cận vốn?

Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân là những nội dung quan trọng trong xây dựng NTM. Nhưng làm thế nào để người dân tiếp cận được với "chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản" theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND là câu hỏi của ông Khuất Văn Cảnh (huyện Thạch Thất). Ông Cảnh nêu cụ thể về việc hỗ trợ nhà lạnh để bảo quản khoai tây giống, rất có lợi cho người nông dân, nhất là khi giá khoai xuống thấp nhưng những đối tượng nào thì được xây dựng nhà lạnh như trên, trình tự thủ tục như thế nào? Trong khi đó, chị Hoàng Thị Ngọc (huyện Quốc Oai) lại băn khoăn về việc thành phố đã có chính sách hỗ trợ mua máy móc, cơ giới hóa nhưng việc hỗ trợ mới dừng lại ở lãi suất vốn vay ngân hàng và thủ tục còn rườm rà. Vậy thành phố có chính sách nào hỗ trợ trực tiếp đến tay người dân hay không? Còn ông Chu Văn Bình (huyện Thanh Oai) lại vướng mắc về thủ tục vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố để phát triển sản xuất…

Xung quanh những thắc mắc này, theo bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, "những đối tượng được xây dựng nhà lạnh" được quy định rất rõ tại Điều 6 của Quyết định số 16. Cũng theo quyết định trên, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm. Ngoài ra, thành phố cũng quy định mức hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến, nghề muối và ngành nghề nông thôn... Về thủ tục, Sở NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tháo gỡ, mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất, nhất là nguồn vốn từ Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội.

Rõ ràng, người nông dân còn nhiều thắc mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM. Việc rõ ràng, minh bạch những chính sách này ngay từ cơ sở là cần thiết, tránh những băn khoăn, bức xúc của người dân trong quá trình thực hiện.

Thành phố phấn đấu đến năm 2015 có 35-40% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2030 có 100% số xã được công nhận đạt 19 tiêu chí NTM. Để đạt được kết quả trên cần huy động nguồn lực rất lớn mà một trong đó là từ đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay việc đấu giá của các địa phương đều đang gặp khó khăn, chủ yếu do thị trường bất động sản đóng băng mặc dù về thủ tục, Sở TN&MT đã có hướng dẫn khá cụ thể. UBND TP cũng đã chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp giúp các địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xử lý đất xen kẹt, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực xây dựng NTM.

Minh Phú