Hỗ trợ đồng bào nghèo ở miền Trung xây dựng nhà ở phòng chống lũ lụt
Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 28/11/2013
Đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên. Phạm vi áp dụng gồm 14 địa phương thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt khu vực miền Trung, từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Thuận. Về mức hỗ trợ, ngân sách nhà nước (NSNN) cấp 10 triệu đồng/hộ (vùng đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ là 12 triệu đồng/hộ); cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ; đóng góp của hộ gia đình, cộng đồng và các nguồn khác khoảng 10 triệu đồng.
Sau những trận lũ lụt ở miền Trung, nhiều hộ nghèo cần được giúp đỡ về nhà ở. |
Bộ Xây dựng cùng các địa phương đã điều tra, khảo sát, thống kê hiện có khoảng 40.500 hộ nghèo đang sống tại khu vực ngập lụt từ 1,5m trở lên, trong đó hơn 8.000 hộ cư trú tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh số hộ nghèo là 36.400 hộ cận nghèo, trong đó 6.100 hộ cư trú tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Như vậy, chỉ tính riêng số hộ nghèo, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 417 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hỗ trợ 4,2 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là 608 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến vốn huy động từ cộng đồng và các hộ gia đình vào khoảng 405 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong hai năm, 2014-2015, trong đó năm 2014 hỗ trợ cho khoảng 15.000 hộ với số vốn NSNN khoảng 156 tỷ đồng; số còn lại, khoảng 25.000 hộ, sẽ thực hiện trong năm 2015. Sau khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, căn cứ tình hình thực tế sẽ đề nghị thực hiện hỗ trợ đối với những hộ thuộc diện cận nghèo.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, gói hỗ trợ này đang được thực hiện và Chính phủ đang cân nhắc nguồn ngân sách để triển khai. Đối với hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, cũng có ý kiến cần mở rộng đối tượng cho vay hoặc hỗ trợ thêm, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu giải pháp kiến nghị với Chính phủ. Đối với khu vực đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị chưa áp dụng chính sách này vì đô thị không thường xuyên bị lũ, lụt hoặc nếu bị thì cũng dễ dàng tìm được nơi tránh, trú so với khu vực nông thôn. Thực tế, nhiều địa phương cũng yêu cầu nâng mức hỗ trợ và mức vay ưu đãi, song Bộ Xây dựng cho rằng ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ gia đình có trách nhiệm tham gia đóng góp, đồng thời huy động từ sự giúp đỡ của dòng họ, cộng đồng để làm nhà bảo đảm quy mô, chất lượng. Cùng với đó, những hộ dân đã vay trong những chương trình hỗ trợ trước đây vẫn được vay ưu đãi theo chương trình hỗ trợ này. Trước đó, chương trình thí điểm hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã được triển khai tại 7 tỉnh, với 700 hộ nghèo được hưởng thụ. Mô hình thí điểm được đánh giá phù hợp điều kiện thực tế, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Khu vực miền Trung, do đặc điểm địa lý, điều kiện tự nhiên, là nơi thường xuyên gánh chịu thiên tai, nhất là lũ, bão. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phá rừng làm thủy điện, thủy điện xả lũ... nên thiên tai thường xảy ra với tần suất cao, cường độ lớn, diễn biến khó lường, không theo quy luật. Lũ lụt liên miên, diện rộng, thời gian dài, lũ chồng lũ... không còn là hiện tượng hiếm gặp. Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ước tính (cả tiền cứu trợ từ ngân sách và cộng đồng) có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp căn bản phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống an toàn, ổn định.