Cần có chính sách góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Kinh tế - Ngày đăng : 11:40, 05/04/2023
Bổ sung một số quy định đặc thù về tài sản, tài chính
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, chỉnh lý quy định về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Liên quan đến quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và chỉnh lý theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp.
Điều này cũng tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp cùng các cơ quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu rà soát, chỉnh lý, thay đổi thuật ngữ “hoạt động tín dụng nội bộ” thành “hoạt động cho vay nội bộ” và khẳng định, hoạt động này không phải hoạt động ngân hàng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng; đồng thời bổ sung quy định về điều kiện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, trong đó có điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho vay nội bộ khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ…
Về quỹ chung không chia, tài sản chung không chia, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và bổ sung quy định về việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng quỹ chung không chia nhàn rỗi để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; sử dụng quỹ chung không chia, tài sản chung không chia để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn và phải bảo toàn vốn, tài sản…
Góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất tập trung
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân góp vốn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
“Quy định như vậy sẽ giải quyết các vấn đề như việc các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, khắc phục tình trạng manh mún trong quản lý đất đai, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác, tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, đại biểu Trần Văn Tuấn nói.
Liên quan đến nội dung về cho vay nội bộ, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật quy định cho vay nội bộ là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên chính thức vay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống… Đại biểu cho rằng, cần phải có quy định cụ thể hơn, bởi lẽ là hợp tác xã cho thành viên vay cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro.
Về quy định quỹ chung không chia và tài sản chung không chia, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị cân nhắc việc mở rộng mục đích sử dụng để bảo đảm nâng cao năng lực hoạt động, sức cạnh tranh của hợp tác xã. Bởi các quy định như dự thảo Luật là quá chặt chẽ và có thể gây khó khăn cho hợp tác xã trong sử dụng, nhất là quy định về phải bảo toàn vốn. “Quy định như vậy thì có thể dẫn tới giảm tính hấp dẫn của hợp tác xã cũng như là giảm năng lực, khả năng cạnh tranh của mô hình hợp tác xã”, đại biểu nói.
Đối với tài sản chung không chia, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định quản lý tài sản chung không chia theo hướng: Vốn tích lũy không chia được hình thành trước khi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ được chuyển đổi thành quỹ chung không kia nhưng được giữ nguyên hiện trạng, mục đích sử dụng và được hạch toán vào mục đích nguồn quỹ chung không chia được tích lũy hằng năm và được sử dụng vào mục đích khác.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 17 lượt ý kiến phát biểu góp ý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để hoàn chỉnh dự thảo Luật theo đúng quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023).