Nợ công có an toàn?

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:45, 28/11/2013

(HNM) - Đó là vấn đề thu hút sự quan tâm của không chỉ nhiều đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo người dân và dư luận. Giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định nợ công giai đoạn 2014-2016 vẫn trong giới hạn an toàn mặc dù áp lực trả nợ rất lớn.



Về vấn đề trả nợ, Thủ tướng cũng cho biết: Các khoản Chính phủ trả nợ trực tiếp năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 ở mức 20,4%, năm 2016 ở mức 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25%.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra thắc mắc: Nợ công của ta vẫn trong giới hạn an toàn nhưng liệu trong số nợ công đó đã bao gồm cả những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh trả nợ, các khoản nợ do các doanh nghiệp nhà nước vay của nước ngoài, được đưa vào các khoản nợ quốc gia hay chưa? Vay thì phải trả, đó là lẽ thường tình, nhưng điều đó cũng không thật đáng sợ nếu như sử dụng đồng tiền vay đó có hiệu quả, tức là đúng hướng và sinh lợi.

Như lời Thủ tướng nói, không ít tiền vay đã được đầu tư vào các dự án hạ tầng kinh tế thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình dở dang do thiếu vốn, bổ sung vốn đối ứng, đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, xây dựng…, làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Việc sử dụng đồng vốn này có hiệu quả cao, tăng giá trị gia tăng của đồng tiền và nếu như vậy, còn phải tranh thủ các món vay với lãi suất thấp, ưu đãi, mang thêm nhiều vốn về cho quá trình phát triển.

Tuy nhiên, do trình độ quản lý hạn chế, do lợi ích nhóm, lợi ích địa phương và tham nhũng, lãng phí, không ít dự án sử dụng vốn vay Chính phủ đã để xảy ra tình trạng thất thoát. Nổi lên là vụ Vinashin và còn bao nhiêu Vinashin, Vinaline nữa đang đứng bên bờ phá sản trong nhiều ngành kinh tế quan trọng như bất động sản, giao thông đường bộ, điện lực, chế biến thủy sản, bến cảng, sân bay. Những nơi ấy và nhiều nơi khác nữa không những không mang về đồng nào mà còn tàn phá đất nước cả về thiên nhiên lẫn tiền bạc. Tiền vay không chỉ phải trả mà còn phải chịu lãi. Bây giờ còn tranh thủ được các món lãi thấp, nhưng rồi lãi ngày một cao trong khi tâm lý của không ít người "của vay là của được".

Nợ công còn trong giới hạn an toàn hay không còn phải tính cả điều này nữa. Và để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công thì không chỉ cần nghiêm túc, minh bạch từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án mà còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả các dự án. Có như vậy các dự án đầu tư công mới thật sự đem lại hiệu quả, những đồng tiền vay mới thật sự sinh lời.

Vũ Duy Thông