Làm rõ trách nhiệm, chế tài với cá nhân thẩm định dự án đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 15:49, 27/11/2013

(HNMO) – Chiều 27/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công, các đại biểu đánh giá cao nhiều quy định mới trong dự án luật và cho rằng, nếu luật được đưa vào thực hiện nghiêm túc, sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí hiện nay.

Đầu tư công, các đại biểu đánh giá cao nhiều quy định mới trong dự án luật và cho rằng, nếu luật được đưa vào thực hiện nghiêm túc, sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí hiện nay.


Theo các đại biểu Quốc hội, việc sớm ban hành dự án Luật Đầu tư công trong bối cảnh hiện tại là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho việc thực hiện quá trình tổng thể tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế.

Đa số các đại biểu tán thành cao với quan điểm, mục tiêu xây dựng dự án luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng, dự luật đã được nghiên cứu, biên tập công phu, cơ bản xây dựng được bộ khung, kiểm soát được từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình đầu tư công, hạn chế được sự lãng phí ngay từ khi có chủ trương xin đầu tư, tránh nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giải quyết được bất cập trong phân cấp đầu tư hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đánh giá, các quy định trong dự luật có nhiều điểm mới, nếu thực hiện nghiêm sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí hiện nay, đặc biệt là các quy định về chủ trương và phê duyệt đầu tư, lập kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, dự luật cần cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ pháp luật với các quy định khác, giải quyết được các bất cập hiện tại, thậm chí cần có những đổi mới để tạo sự đột phá trong tái cơ cấu đầu tư công. Đặc biệt, dự luật cần có nhưng quy định làm rõ trách nhiệm và chế tài với các cá nhân thẩm định dự án để đảm bảo các dự án có thể được cân đối nguồn vốn để thực hiện.

Tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí được hi vọng sẽ khắc phục sau khi có Luật Đầu tư công



Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng đề nghị dự luật cần phải có những quy định chặt chẽ đảm bảo sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả, trong đó có những quy định hạn chế việc điều chỉnh chi phí phát sinh sau khi đã được phê duyệt dự án nhằm ngăn chặn hiện tượng bỏ thầu thấp, cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng quan tâm đến vấn đề trách nhiệm cá nhân, các đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, để dự luật có tính khả thi cao, cần nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn nhà nước về đầu tư công, quan trọng là phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, gắn kết với các luật có liên quan, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng nguồn vốn đầu tư công.

Đại biểu Trương Văn Vở lưu ý, trong các nguyên tắc quản lý đầu tư công, ngoài căn cứ quy hoạch, chiến lược phát triển KTXH và các quy hoạch khác, cần chú ý tới quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch vùng kinh tế. Đây là điều kiện quan trọng để phân bổ nguồn lực đầu tư. Theo đó, làm rõ nguyên tắc về lập kế hoạch đầu tư công, làm rõ trách nhiệm, tiêu chí phân bổ của các tổ chức, cơ quan, bộ, ngành và các cấp. Đồng thời, trong thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương, kế hoạch, bố trí dự án đầu tư, nên quy định rõ đầu mối cơ quan để rõ trách nhiệm.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) góp ý thêm, việc quy định cụ thể nội dung lập, thẩm định chủ trương đầu tư dự án là cần thiết nhưng các quy định này đến mức độ nào thì nên tùy theo tính chất của từng dự án.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt thêm tình huống, các hành vi phê duyệt, lập dự án sai thì nên được điều chỉnh như thế nào, việc xử lý cái sai ra sao… bởi trên thực tế, có những cái sai không thể sửa được, không điều chỉnh được. Theo đại biểu, dự luật cần có quy định chấm dứt thực hiện các dự án nếu được lập, phê duyệt sai, chấp nhận một phần lãng phí ban đầu.

Các đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Trần Văn (Cà Mau) cũng cho rằng, đổi mới quản lý đầu tư công cần phải gắn với quá trình cải cách hành chính, tính tự chịu trách nhiệm của người quản lý và người đứng đầu, trong đó phân định rõ trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương, quy định rõ việc phân cấp, phê duyệt các dự án đầu tư theo vùng. Dự luật cần bổ sung thêm các quy định về kế hoạch đầu tư dài hạn bởi hiện nay, nước ta đang có nhiều dự án với tổng vốn đầu tư lớn, được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ.

Vân An